Chưa đem lại lợi thế thị trường

Thành lập từ cuối năm 2021 với mục tiêu bán sản phẩm rau sạch, có chứng nhận OCOP cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tuy nhiên, Công ty TNHH Làng Gáp Xanh (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Theo anh Nguyễn Thành Vững, Phó giám đốc Công ty TNHH Làng Gáp Xanh: “Nhiều khách hàng hiện không biết chứng nhận OCOP là gì, vì sao sản phẩm rau có chứng nhận OCOP lại đắt hơn các sản phẩm cùng loại. Vì vậy, dù được bày trên kệ nhìn bắt mắt nhưng sức tiêu thụ của các sản phẩm vẫn rất khiêm tốn”.

Hiện toàn tỉnh Thái Nguyên có 129 sản phẩm OCOP, trong đó sản phẩm chè chiếm gần 90%, nhưng chỉ có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Điều đó cho thấy việc phát triển các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn quốc gia còn không ít khó khăn. Như tại Hợp tác xã (HTX) Trà Cao Sơn ở xã Bình Sơn, TP Sông Công (Thái Nguyên) có 5 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao. Giai đoạn 2021-2022, HTX được thành phố hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng thực hiện dự án liên kết trồng, chế biến, tiêu thụ chè VietGAP gắn với du lịch trải nghiệm. Thông qua dự án, HTX đã xây dựng được 8ha chè an toàn, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu an toàn của đơn vị lên 50ha. Thế nhưng, hiện các sản phẩm chè của HTX vẫn chưa thể xuất khẩu, đây cũng là một trong những khó khăn để sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. “Để đạt được 5 sao OCOP thì phải đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị hiện đại hơn, nhưng khó khăn nhất là đầu ra. Chúng tôi mong muốn được các cấp chính quyền vào cuộc hỗ trợ về chính sách, được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ HTX làm chè hữu cơ”, ông Phạm Văn Tiến, Giám đốc HTX Trà Cao Sơn chia sẻ.

Theo đồng chí Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, để trở thành sản phẩm OCOP, các chủ thể cần đáp ứng một số điều kiện như sản xuất xuyên suốt, có sự tham gia của nhiều hộ, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và mang đặc trưng vùng, miền. Do vậy, để xây dựng sản phẩm OCOP, các địa phương phải dựa vào thực tế, xác định sản phẩm nào là chủ lực và đã được quy hoạch trong vùng sản xuất hay chưa. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, chủ thể nào cũng có đủ điều kiện, năng lực để thực hiện. Bên cạnh đó, do diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng bị thu hẹp, việc phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP về diện tích, khả năng cung ứng cho thị trường với số lượng lớn, ổn định, lâu dài sẽ rất khó khăn.

Xoài Yên Châu ở huyện Yên Châu (Sơn La) là một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh. Trong ảnh: Nông dân huyện Yên Châu bọc quả xoài nhằm bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Ảnh: THANH THỦY 

Chú trọng chất lượng, quảng bá

Với nhà xưởng rộng hơn 1.000m2, cơ sở sản xuất bánh ram Anh Thu tại xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) là một trong những cơ sở sản xuất được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại của địa phương. Trước đó, cuối năm 2018, sau khi hoàn thành đăng ký thương hiệu, mỗi năm cơ sở sản xuất một lượng lớn bánh ram, bánh cuốn rau sống, được khách hàng ưa chuộng. Đến năm 2020, bánh ram Anh Thu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao của Hà Tĩnh. Theo chị Lê Hoài Thu, chủ cơ sở sản xuất, để tìm đầu ra cho sản phẩm, một trong những kênh phát triển thị trường là bán hàng online. “Tôi mong chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ lồng ghép chương trình trải nghiệm vào hoạt động du lịch để du khách có thể tham quan, thưởng thức các sản phẩm OCOP của tỉnh tại chính cơ sở sản xuất. Qua đó, giúp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tốt hơn”, chị Lê Hoài Thu bày tỏ.

Tại tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, một số sản phẩm OCOP cũng đã có bước phát triển tích cực, giúp nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Theo đồng chí Hoàng Viết Chọn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, trong 236 sản phẩm được công nhận OCOP của địa phương thì có hơn 80% sản phẩm đã được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, hệ thống thương mại điện tử… doanh thu, lợi nhuận tăng qua từng năm. “Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tỉnh xác định trọng tâm là chất lượng, xây dựng uy tín chứ không chạy theo số lượng. Nhiều sản phẩm OCOP là kết quả của việc phát triển sản xuất, khai thác vùng nguyên liệu của địa phương, lao động truyền thống và đặc biệt là các nhãn hiệu tập thể, các chỉ dẫn địa lý được xây dựng nhiều năm nay. Những sản phẩm này được tiêu thụ tốt, góp phần tăng thu nhập cho người dân”, đồng chí Hoàng Viết Chọn khẳng định.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, một trong những địa phương “đầu tàu” của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, để khơi thông đầu ra cho sản phẩm, tỉnh đã tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm với đầy đủ thông tin về chất lượng cũng như quy trình sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các chủ thể sản xuất OCOP cũng rất tích cực đưa sản phẩm của mình lên website và một số sàn thương mại điện tử. Kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh là: Chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản ở mỗi vùng quê, mỗi địa phương; chú trọng quảng bá, kết nối thị trường; hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các hộ cũng như doanh nghiệp, HTX. Đó cũng là những vấn đề cần làm tốt để các sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước vươn xa.

ĐÌNH TRUNG