Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. 

Hội nghị lần thứ 13, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, khóa XVII. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là dịp để chúng ta nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, chiến lược cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nửa cuối của nhiệm kỳ”.

Với ý nghĩa đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã gợi mở một số vấn đề để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận và xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng. Đồng chí cho biết, qua đánh giá, tính đến thời điểm hiện nay, so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội ước tính có 9/20 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt vào cuối nhiệm kỳ. Tính đến cuối nhiệm kỳ ước tính có 14/20 chỉ tiêu đạt và vượt theo kế hoạch đề ra và có 6/20 chỉ tiêu rất khó khăn để có thể hoàn thành (Tốc độ tăng trưởng bình quân Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); GRDP bình quân/người; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; tốc độ tăng năng suất lao động).

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ các dự thảo Báo cáo, đánh giá kỹ từng lĩnh vực phụ trách, làm rõ nguyên nhân, nhất là đối với những chỉ tiêu còn thấp, phân tích những thuận lợi, khó khăn, nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất những chủ trương, quyết sách lớn và những giải pháp mang tính đột phá, gắn với những định hướng lớn về phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, huy động các nguồn lực để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, chú trọng giải pháp chuyển dịch cơ cấu, chuyển mạnh hướng khai thác dư địa, nội lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những chỉ tiêu còn lại của Nghị quyết Đại hội đề ra đạt kết quả cao nhất.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 13. 

Về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội: Từ ngày 1-7-2021, TP Hà Nội đã chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Qua 2 năm thực hiện thí điểm, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về việc sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo; đặc biệt là cho ý kiến đối với 5 đề xuất, kiến nghị của Thành ủy đối với Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Đối với tình hình thực hiện giữa nhiệm kỳ, cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp Thành phố và định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung như: Việc điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; đánh giá tính khả thi của các khoản thu từ đất, nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, các nguồn huy động khác…; rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025, các dự án dân sinh bức xúc, dự án trong các lĩnh vực môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đang được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt… Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã đề ra và hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 sau khi được điều chỉnh.

Đối với điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp Thành phố. Đến nay, căn cứ tình hình thực tiễn kết quả giải ngân toàn Thành phố, đến ngày 31-5-2023, đạt 24,8% Kế hoạch giao (vẫn là tỷ lệ thấp so với yêu cầu đề ra); tiến độ thực hiện một số dự án có vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, không đảm bảo tiến độ giải ngân, đồng thời, có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc đã đủ thủ tục, điều kiện để bố trí vốn khởi công…

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành; đặc biệt cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại, phát huy ưu điểm, quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị toàn Thành phố về kỷ luật, kỷ cương, về trách nhiệm trong xử lý công việc, tránh tình trạng đùn đẩy, tránh né, trông chờ, ỷ lại, nêu cao ý chí quyết tâm, khát vọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, do đó, đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, ban hành và tổ chức thực hiện.

Diễn ra trong 2 ngày (14 và 15-6), Hội nghị sẽ họp bàn về 11 nội dung, gồm: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố; định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo sơ kết công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII và định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020-2025; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công cấp TP năm 2023; định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP Hà Nội; đánh giá tình hình giữa nhiệm kỳ và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cấp Thành phố; báo cáo sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc TP Hà Nội…

Tin, ảnh: QUỐC TRÍ