Hạ tầng đi trước một bước

Đến các thôn, làng nông thôn mới, vùng chuyên canh sản xuất rau sạch của huyện Đak Pơ, chúng tôi ấn tượng với hạ tầng giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ phục vụ sản xuất của địa phương. Ấn tượng bởi trước đây, nhắc đến Đak Pơ ai cũng nghĩ ngay tới một huyện nghèo, cơ sở hạ tầng thấp kém. Nhưng nay, bằng những chủ trương, giải pháp đúng đắn, Đak Pơ đang cho thấy một diện mạo mới, mang lại những kết quả tích cực trong sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Đinh Truynh, ở làng Đê Chơ Gang, xã Phú An, huyện Đak Pơ phấn khởi khoe với mọi người: “Trước đây, 4 sào lúa của gia đình mình chỉ thu được khoảng 1,2 tấn. Hiện nay, nước tưới bảo đảm và được cán bộ các cấp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nên lúa cho năng suất cao hơn, đạt 1,6-1,8 tấn/vụ. Gia đình mình không chỉ đủ lúa ăn mà còn dư để bán ra thị trường, có nguồn tiền tích lũy”.

 Lãnh đạo huyện Đak Pơ kiểm tra, khảo sát vùng trồng rau sạch ở xã Tân An.  

Không riêng ông Đinh Truynh mà 137 hộ dân làng Đê Chơ Gang, trong đó có 124 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt 41 triệu đồng/người/năm. Làng có sự khởi sắc này là nhờ hệ thống thủy lợi được nâng cấp dẫn nước từ hồ chứa Tờ Đo và hạ tầng giao thông phát triển. Tính từ năm 2016 đến nay, huyện Đak Pơ đã đầu tư, hỗ trợ làng Đê Chơ Gang sửa chữa đập thủy lợi, tặng cây giống, con giống, phân bón với tổng kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã Phú An cũng huy động các nguồn lực bê tông hóa, cứng hóa các tuyến đường nội thôn.

Theo đồng chí Huỳnh Văn Hơn, Phó chủ tịch UBND huyện Đak Pơ: Những năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đến nay, trên địa bàn huyện có 16 hồ chứa (2 hồ chứa loại lớn, 14 hồ chứa loại nhỏ); 2 trạm bơm điện; 2 đập dâng và nhiều ao, hồ, đập. Tổng diện tích tưới theo thiết kế của các công trình thủy lợi là 490ha cây trồng các loại. “Với quan điểm hạ tầng đi trước một bước, giai đoạn 2015-2020, huyện Đak Pơ đã huy động các nguồn vốn đầu tư hơn 49 tỷ đồng để phát triển các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và kiên cố hóa kênh mương. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi từng bước đáp ứng yêu cầu vận chuyển nông sản, tưới tiêu chủ động, nâng cao hiệu quả sản xuất”, đồng chí Huỳnh Văn Hơn thông tin.

Kích hoạt tiềm năng, lợi thế 

Bên cạnh tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững, huyện Đak Pơ đang tìm những hướng đi mới để phát huy tiềm năng, lợi thế. Trong đó, huyện ưu tiên phát triển vùng trồng rau, cây ăn quả theo hướng chuyên canh, gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng mối liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển đàn bò lai theo hướng công nghệ cao; phát triển du lịch kết hợp với trải nghiệm nông nghiệp sạch…

Huyện Đak Pơ có diện tích tự nhiên hơn 50.000ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 42.000ha, chiếm 84,14% diện tích. Tài nguyên đất ở Đak Pơ có tầng canh tác dày, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình thấp, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Huyện ủy Đak Pơ đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về xây dựng hạ tầng, phát triển nông nghiệp, du lịch; từng bước hình thành các vùng sản xuất rau với nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đak Pơ”, cây ăn quả chuyên canh, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm của người dân, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, xây dựng nhà màng sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; phát triển các mô hình: Trồng cây quýt đường, cây na dai hạt lép kết hợp với tưới tiết kiệm, trồng thâm canh cây nhãn; liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân để phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao… góp phần đưa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ năm 2020 đến nay ước đạt 7,66%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 44,7 triệu đồng.

Đồng chí Lê Thị Thanh Mai, Bí thư Huyện ủy Đak Pơ cho biết: “Huyện ủy đặt mục tiêu đến năm 2025 cứng hóa đường trục chính nội đồng trên 80%; diện tích gieo trồng cây rau các loại đạt 6.915ha, diện tích cây ăn quả là 685ha; đàn bò lai trên địa bàn đạt 14.780 con, tỷ lệ lai chiếm 89% so với tổng số đàn bò; hình thành mô hình, điểm đến du lịch gắn với nông nghiệp như: Vùng trồng cây ăn trái Đá Lửa; vườn cây ăn trái đường vào đồi thông Hà Tam; vùng chuyên canh rau Tân An. Huyện cũng xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch theo mô hình tăng trưởng xanh, bền vững. Hiện trên địa bàn huyện có 5 dự án đã hoàn tất thủ tục, chờ UBND tỉnh Gia Lai chấp thuận chủ trương đầu tư, cùng với nhiều dự án có nhà đầu tư đăng ký thực hiện và dự án huyện đang kêu gọi đầu tư, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương”.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.