Vậy nhưng, chưa khi nào, đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị lại có tâm lý sợ sai, sợ mắc khuyết điểm như thời gian gần đây. Mặc dù Bộ Chính trị đã có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung theo tinh thần Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021. Thế nhưng xem ra, “đơn thuốc” để chữa trị “căn bệnh” đang đè nặng tâm lý của một bộ phận cán bộ, đảng viên dường như vẫn chưa đủ liều lượng.

Nhất là thời gian qua, hàng loạt cán bộ vướng vòng lao lý vì để sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, khiến không ít cán bộ nảy sinh tâm lý làm việc cầm chừng, với lập luận theo kiểu: Làm nhiều thì sai nhiều, làm ít thì sai ít, không làm thì không sai. Những vấn đề này đã được nêu ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, trong đó bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc đã chỉ rõ biểu hiện và nguyên nhân.

 Học tập, rèn luyện để trở thành đảng viên tốt. Ảnh: bqllang.gov.vn

Khi bàn luận về tình trạng này ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhiều quần chúng ví von: “Bên trong cán bộ sợ sai/ Bên ngoài dân chúng thở dài lo âu”. Sợ sai là mức nói giảm, nói tránh của việc né tránh, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm, cái gì có lợi thì vơ vào mình, khó khăn thì đẩy ra cho tổ chức, cho người dân, doanh nghiệp. Nói như đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị của Ban cán sự đảng UBND Thành phố hồi cuối tháng 5-2023: “Cán bộ sợ sai, sợ vi phạm là chính đáng, nhưng sợ đến mức không làm những việc phải làm là quá đáng”…

Lằn ranh từ mong muốn chính đáng đến hành động quá đáng quả thực rất ngắn và mong manh. Cán bộ, đảng viên sợ vi phạm, sợ mắc sai lầm, khuyết điểm là lẽ đương nhiên, nhưng không có nghĩa vì thế mà không dám làm gì, không thể vì sợ sai mà không dám làm những việc đáng ra phải làm theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Xét theo các quy định của pháp luật hiện hành, những biểu hiện này đã vi phạm quy định của các luật liên quan như: Luật Cán bộ, công chức; Luật Chính quyền địa phương; Luật Tổ chức Chính phủ…

Lý giải cặn kẽ mọi điều cho những hành vi này có thể chia thành: Những người không biết gì nên không làm; nhóm không có lợi ích thì không làm và nhóm biết nhưng sợ sai nên không làm. Như vậy, họ đã không thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên theo các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước và lớn hơn là không thực hiện nghĩa vụ mà quần chúng nhân dân trao cho mình. 

Lằn ranh giữa mong muốn chính đáng và hành động quá đáng, xét ở góc độ đạo đức của người cán bộ, đảng viên, đây chính là dấu hiệu của một loại “tự diễn biến”, là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, làm cản trở nghiêm trọng sự phát triển. Những biểu hiện, hành vi trên chắc chắn đã làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng mà rõ nhất là tâm trạng lo âu, thất vọng với đội ngũ cán bộ, công chức. Rõ ràng, những biểu hiện, hành vi như thế đã vượt ra khỏi khuôn khổ của pháp luật và đạo đức-vượt ra khỏi lằn ranh kép của người cán bộ, đảng viên thì cần phải sớm loại bỏ khỏi hệ thống chính trị.

ĐÔNG HẢI