Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã có những trao đổi, chia sẻ với Báo Quân đội nhân dân Điện tử xung quanh hoạt động lễ hội.

 Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh.

Phóng viên (PV): Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tổ chức đã tạo nên sự cuốn hút, lan tỏa mạnh mẽ, đồng chí có thể chia sẻ về điều này?

Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa: Đúng thế, sự kiện đã tạo sự lan tỏa lớn, trở thành dấu ấn, sự kiện văn hóa trong đời sống, bối cảnh phát triển của TP Hồ Chí Minh. Khắp các tuyến sông, điểm tổ chức các hoạt động của lễ hội luôn tạo được sự quan tâm, thu hút trải nghiệm của người dân, du khách.

Đông đảo người dân, khách du lịch hào hứng cổ vũ các đội tuyển đua thuyền truyền thống tranh tài trên sông; thưởng thức các sản vật, ẩm thực đặc sắc. Các tour du lịch trải nghiệm trên sông cũng thu hút rất nhiều người tham gia. Có thể nói rằng, Lễ hội sông nước lần đầu tiên được UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, cùng với sự tham gia, phối hợp triển khai của nhiều sở, ngành, địa phương, đơn vị đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, mới lạ, ấn tượng đối với người dân và du khách về đô thị đặc trưng sông nước TP Hồ Chí Minh.

PV: Đồng chí có thể chia sẻ các chương trình có dấu ấn đặc biệt của lễ hội?

Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa: Trong chuỗi hoạt động văn hóa-giải trí-nghệ thuật-thể thao đặc sắc kết hợp với những hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu du lịch, hàng không, thương mại thì điểm nhấn đặc biệt là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dòng sông kể chuyện”, diễn ra tối 6-8.

Chương trình sẽ tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 chương Khẩn hoang – Xây thành – Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh – Rực rỡ Thành phố bên sông với sự tham gia của gần 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ê kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật.

Câu chuyện được kể bằng sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, ánh sáng, điện ảnh kết hợp cùng các công nghệ trình diễn hiện đại, diễn ra trên một dòng sông Sài Gòn trải qua bao thăng trầm của lịch sử.

Hơn nữa, hoạt động “Không gian Trên bến dưới thuyền” được tái hiện ở nhiều điểm, tuyến sông, kênh cũng đã tạo được sức hút, ấn tượng đối với du khách. Bên dòng kênh là những thuyền hoa, sản vật miền sông nước được trao đổi mua bán. Ở trên bờ là các gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản, đặc sản, ẩm thực đặc trưng và các hoạt động nghệ thuật như nặn tò he, thư pháp…

Qua hoạt động này nhằm tái hiện không gian giao thương thuở sơ khai, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hoá – lịch sử, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với TP Hồ Chí Minh.

PV: Điều gì tạo nên sức sống, sự cuốn hút của lễ hội, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa: Để có được sự thu hút, lan tỏa mạnh mẽ trước hết là xuất phát từ tiềm năng, lịch sử, văn hóa đô thị sông nước TP Hồ Chí Minh rất lớn, phong phú, đặc sắc, xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Tiếp đó là chủ trương, ý tưởng triển khai của UBND TP Hồ Chí Minh và các sở, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp gắn với quyết tâm rất cao, nhiều tâm huyết.

Trên cơ sở chỉ đạo tổ chức của UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch đã phối hợp với các Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Công Thương, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các đơn vị phối hợp, triển khai các nội dung chương trình đảm bảo tốt nhất, mang lại giá trị trải nghiệm, giá trị văn hóa tinh thần, lan tỏa niềm tự hào về lịch sử, đặc trưng đô thị sông nước TP Hồ Chí Minh của người dân thành phố; giúp quảng bá về các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng cũng như các định hướng phát triển kinh tế, xã hội TP Hồ Chí Minh…

 Đội hình vận động viên lướt ván trình diễn với cờ Tổ quốc trên sông Sài Gòn.

PV: TP Hồ Chí Minh có đặc thù là một đô thị sông nước, hệ thống kênh rạch chằng chịt kết nối sông lớn và biển, đồng chí đánh giá như thế nào về tiềm năng khai thác du lịch đường thủy?

Đồng chí Lê Trương Hiền Hòa: TP Hồ Chí Minh có tiềm năng du lịch đường thủy rất lớn, gắn với hơn 1.000km đường sông. Hơn thế nữa, đó là chiều dài lịch sử, văn hóa đô thị sông nước trải dài hơn 325 năm tạo nên những nét đặc sắc, riêng có của một đô thị sông nước.

Thành phố có những tuyến kênh nội đô rất đẹp, in đậm dấu ấn lịch sử qua nhiều thời kỳ. Vì thế, ngành du lịch quyết tâm xây dựng những sản phẩm du lịch không chỉ trên sông Sài Gòn mà còn ở các tuyến kênh nội đô, kết nối với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa đa dạng của TP Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai nhiều giải pháp kết nối du lịch, đặc biệt là với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để tạo nên những sản phẩm du lịch sông nước, sản phẩm du lịch có tính liên kết vùng phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trong Lễ hội sông nước lần này, TP Hồ Chí Minh hướng đến quyết tâm tạo đột phá trong giới thiệu, triển khai các chương trình kích cầu với sự hợp tác, phối hợp của 4 đơn vị chủ lực: Sở Du lịch, Sở Công Thương, Sở Văn hóa – Thể thao, các hãng hàng không, giới thiệu sản phẩm du lịch đường thủy, tour kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh.

Chính quyền thành phố và ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cũng thấy rất rõ những tiềm năng to lớn của đặc thù đô thị sông nước, quyết tâm cao phát triển các loại hình du lịch gắn với đặc thù này trong thời gian tới. Thông qua phát triển hoạt động du lịch sông nước sẽ góp phần lan tỏa niềm tự hào của nhân dân thành phố, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa, gìn giữ và phát huy giá trị hệ sinh thái sông ngòi, kênh rạch… hướng đến việc xây dựng TP Hồ Chí Minh thành đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa và văn minh.

TRUNG KIÊN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.