Trang chủMultimediaẢnhNgày Sài Gòn cầm tay Hà Nội...

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội…

Ngày 30-4-1975, ngày thống nhất đất nước, đã diễn ra thế nào ở Hà Nội, một nơi dường như xa chiến trường nhưng lại không hề xa lạ đạn bom trong suốt hơn 30 năm?

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 1.

Hai người Hà Nội, họa sĩ Lê Thiết Cương và NSND Nguyễn Hữu Tuấn kể lại câu chuyện ngày tháng đó, cũng là những năm tháng tuổi trẻ của họ, với những ký ức mộc mạc, dịu dàng, như lời bài hát nổi tiếng Hà Nội – Huế – Sài Gòn (Hoàng Vân, thơ Lê Nguyên):

“Trên đất mẹ nắng hồng như lụa, trải nghìn năm gắn bó hai miền, như cành chung gốc lớn lên, như anh em của mẹ hiền Việt Nam. Huế cầm tay Sài Gòn Hà Nội…”.

Người đầu tiên tôi hỏi, chính là con trai của tác giả lời ca đó – họa sĩ Lê Thiết Cương.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 2.

* Thưa anh, đúng ngày 30-4-1975 thì ở Hà Nội không khí thế nào?

– Năm đó tôi 13 tuổi. Từ khi lớn lên, tôi cũng như tất cả trẻ con phố cổ Hà Nội, trừ mấy năm ở giữa, đều phải đi sơ tán cho đến khi ký Hiệp định Paris năm 1973 thì mới về phố.

Lúc đó tôi học Trường Nguyễn Du, đến cấp III thì học Trường Lý Thường Kiệt. Hồi sơ tán học ở mạn gần Bình Đà, Thanh Oai bên sông Đáy. Lúc đó là những ngày học cuối cùng để chuẩn bị nghỉ hè.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 3.

Tác giả Lê Nguyên và con trai Lê Thiết Cương ở Sài Gòn khoảng đầu thập niên 1980

Thực ra không khí giải phóng đã rục rịch từ tháng 3. Hồi đó nhà tôi ở cùng ông nội và nhiều gia đình họ hàng tại số 10 Hàng Thùng, ngay gần là nhà nhạc sĩ Hoàng Vân (tên thật Lê Văn Ngọ, là ông trẻ) ở số 14, đều là dòng dõi Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nhà có ông bác làm ở phát thanh Quân đội, là người thường xuyên mang báo về nhà đọc. Trẻ con chẳng biết gì nhưng thấy người lớn háo hức chờ bác đi làm mang báo về để xem có tin chiến thắng thì cũng rất tò mò.

Cùng dạo đó, một ông bác nữa cũng ở cùng số nhà làm tại Sở Điện, xin được giấy phép lắp một cái đài be bé treo trên tường để phát hằng ngày, mỗi tháng đóng mấy hào lệ phí.

Tôi hay nghe nhạc cổ điển chính là từ cái đài này. Ông nội sợ trẻ con nghịch hỏng nên đóng cao lên trên, mình phải bắc ghế lên dí tai vào nghe.

Khổ nỗi là đúng ngày 30-4 thì đài lăn ra hỏng, có lẽ vì trẻ con vặn to quá nên dần dần nó bé đi, chỉ còn lẹt xẹt.

Chỉ còn một cách là ra cây si trước cửa hiệu kem Hồng Vân – Long Vân ở Bờ Hồ. Cây đó có một cành huyền rất to chìa ra đường, treo một cái loa bằng gang dạng giống cái chụp đèn.

Toàn bộ dân mấy phố xung quanh đi ra, cực kỳ đông vì người đi đường cũng dừng xe đạp bên dưới để nghe.

Ông nội tôi không đi được nên tôi chạy về kể cho ông lõm bõm những mình nhớ, vừa lúc ông bác mang báo đăng tin giải phóng về.

Ông nội mừng lắm, bảo lên Hàng Mã mua những tờ giấy in nhiều lá cờ, cắt ra rồi dùng hồ dán vào những cái cán chẻ từ đũa ăn cơm ra.

Nhà có cái lọ gốm cổ rất quý, ông cắm cờ vào những cái lọ đó rồi dặn các cháu đi đâu ra khỏi nhà là phải cầm một lá để vẫy. Điều ấy khiến tôi nghĩ lại vẫn xúc động, đã có thời người ta yêu nước một cách chân thật, không phải cố gắng.

* Tôi nghĩ là ông nội anh có những người con rất đặc biệt nữa, như bố anh, nhà thơ Lê Nguyên, tác giả bài thơ Hà Nội – Huế – Sài Gòn đã được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 4.

Nhà thơ Lê Nguyên, ảnh chụp tại Hà Nội năm 1955, trong kỳ nghỉ phép đầu tiên sau chiến dịch Điện Biên Phủ, sau đó ông quay lại Điện Biên Phủ để thu thập tư liệu cho bảo tàng Quân đội (Ảnh tư liệu gia đình)

– Tên thật của bố tôi là Lê Quốc Toàn, sinh năm 1931. Ông trốn nhà đi bộ đội cùng mấy người anh năm 1946, là chiến sĩ sư đoàn 312, ông giữ nhiệm vụ viết cho tờ báo của sư đoàn.

Do biết tiếng Pháp, ông được tướng Lê Trọng Tấn và Trần Độ giao nhiệm vụ sang phỏng vấn tù binh Pháp ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau chiến thắng, ông có ý muốn giải ngũ.

Ông Trần Độ nói: “Cậu biết là trong đơn vị của mình có rất nhiều người Tày, Nùng, cậu nên dạy học cho họ. Cậu có trình độ, lại viết báo, cậu nên ở lại thêm một năm, sưu tập các hiện vật của chiến dịch để lưu lại cho bảo tàng, cần viết những ghi chép để lưu trữ”.

Sau đó, ông Trần Độ về ngành văn hóa, bố tôi ở trong quân ngũ khoảng một năm mới về Hà Nội, đi học biên kịch ở Trường Điện ảnh. Những điều định hướng của các vị tướng quan tâm đến văn hóa đó đóng vai trò lớn trong con đường của bố tôi.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 5.

* Hành trình của bài thơ đã làm nên bài hát nổi tiếng của Hoàng Vân như thế nào, thưa anh?

– Bài thơ Hà Nội – Huế – Sài Gòn in ở báo Thái Nguyên năm 1960, hồi đó ông có mấy bài nữa như Bài thơ gửi Thái Nguyên.

Lúc đó ông đang tán cô Thảo, là phiên dịch tiếng Trung ở khu gang thép Thái Nguyên, tức là mẹ tôi sau này. Cả hai bài đều được Hoàng Vân phổ nhạc ngay năm 1961.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 6.

Về bài Hà Nội – Huế – Sài Gòn, ông có tâm sự với tôi, đó là một bài thơ làm ra bản đồ hình chữ S với dụng ý nhân cách hóa bằng hình ảnh cô gái Huế ở giữa nắm tay hai cô gái Sài Gòn và Hà Nội.

Khi bố mất, tôi chỉ xin hai kỷ vật là chiếc bút máy và đĩa hát 33 vòng có bài Hà Nội – Huế – Sài Gòn do nhạc sĩ Hoàng Vân tặng năm 1976.

Ở bìa đĩa có lời đề tặng: “Tặng Lê Nguyên thân yêu nhân dịp Tết con Rồng Bắc Nam xum họp – Đĩa hát đầu tiên hoàn toàn do Việt Nam sản xuất”.

* Anh có một người ông trân trọng những lá cờ, một người bố đúc kết một biểu tượng thống nhất, điều đó ý nghĩa thế nào với anh?

– Tôi nghĩ người Hà Nội vượt qua được khó khăn hay giành được chiến thắng vì họ biết sống, biết chơi, kể cả trong bom đạn.

Giữa thời chiến, ông Lâm cà phê vẫn đạp xe đến tận nhà Văn Cao để được vẽ chân dung, khổ to tầm cả 1m, vừa vẽ vừa uống rượu với nhau. Một trong điều làm nên “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là người Hà Nội vẫn biết chơi, biết trân trọng những cái đẹp.

Tôi ấn tượng với câu chuyện nhạc sĩ Cao Việt Bách kể về việc dàn nhạc giao hưởng từ Hà Nội vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn Sài Gòn ngày 2-9-1975, góp phần xóa đi sự tuyên truyền tiêu cực của chính quyền cũ về miền Bắc. Họ nhận ra ở phía sau đó là một đời sống văn hóa của Hà Nội vẫn còn đó.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 7.

Ngược chiều với ký ức tại Hà Nội của họa sĩ Lê Thiết Cương về một nét nhạc hình dung “trải nghìn năm gắn bó ba miền”, nhà quay phim, NSND Nguyễn Hữu Tuấn lại có một hành trình khác: từ Hà Nội vào Sài Gòn đúng dịp 30-4-1975.

* Thưa ông, chuyến đi Sài Gòn của ông được chuẩn bị thế nào?

– Lúc đó tôi đang là sinh viên ngành quay phim Trường Điện ảnh Việt Nam.

Người Hà Nội đã râm ran cơ chừng là sắp giải phóng Sài Gòn rồi, nhất là sau khi Huế và Đà Nẵng được giải phóng, anh em ngành phim ảnh bắt đầu có cảm giác là phải chuẩn bị.

Trường Điện ảnh điều động những sinh viên “cứng cựa” nhất đi quay phim cùng các thầy. Đoàn chúng tôi là đoàn vét. Nhiều người giỏi hơn tôi không được đi, nên với tôi đó là may mắn.

Chúng tôi được lệnh đi và chuẩn bị quân trang vào hai ngày 27 và 28-4, nghĩa là tình hình chiến thắng hoàn toàn đến nơi rồi.

Đi hai ngày đến Vinh thì dừng lại để qua phà Bến Thủy. Lúc xuống xe, thấy không khí và thái độ mọi người rất lạ. Lúc đó là trưa ngày 30-4. Có tiếng người khẽ bảo nhau: “Giải phóng Sài Gòn rồi đấy”. Chẳng kịp cảm nhận gì thì mọi người giục xe đi tiếp, và cứ thế chúng tôi cuốn đi theo hành trình.

Tôi đến Sài Gòn vào khoảng 6 và 7-5. Ấn tượng đầu tiên về miền Nam là đang đi đường nhỏ, đột nhiên đến một quãng đường rộng thênh thang.

Người lái xe bảo, xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa đấy. Tôi bừng tỉnh, nhớ ra tôi đã tưởng tượng ra nơi này từ hồi năm 1960, khi báo chí miền Bắc đưa tin về việc Mỹ làm xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa để “làm sân bay trá hình”.

Tôi nhìn ra xung quanh thấy những người lính chế độ cũ thất thểu chạy, xe tăng nằm lăn lóc, hai bên đường ngổn ngang quân trang bị vứt lại. Ngồi trên chiếc xe com-măng-ca, cầm máy quay phim, tâm trạng tôi hào hứng kiểu “ta đang ở Sài Gòn rồi!”.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 8.

Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn (bìa trái), đạo diễn Vương Khánh Luông (thứ hai từ phải qua) cùng các nghệ sĩ từ Bắc vào hội ngộ với cánh làm phim truyện phía Nam – Ảnh tư liệu

* Ấn tượng về con người Sài Gòn thì ra sao ạ?

– Đi qua cầu Sài Gòn, chạy mãi thì thấy trên đường mọi người nhìn mình rất lạ, họ bảo gì chúng tôi nghe không hiểu. Một lúc sau tôi mới bảo anh lái xe, hình như mình đi ngược chiều rồi.

Lúc đó rất nhiều người con trai, con gái đi xe máy chạy gần đến xe chúng tôi, gọi “Các anh ơi, các anh đi đến đâu, chúng tôi hướng đạo cho!”.

Chúng tôi nói điểm đến là khách sạn Caravelle, nơi tập kết các đoàn quay phim, báo chí. Họ hô lên, “Theo tôi!”. Đấy là những người đón chúng tôi đầu tiên. Tất cả đều hồ hởi lịch sự.

Có lẽ do hình ảnh đầu tiên của mấy ông bộ đội chắc cũng rất đẹp, lính miền Bắc có cái vẻ ngây ngô, đáng yêu, rất dễ thương.

Thực sự thì lính trẻ dễ thương thật vì họ rất nhát trong giao tiếp và bị chỉ huy dặn dò nhiều quá. Có thể họ nhát khi nhìn những người dân Sài Gòn mặc com lê, đi Vespa, đâm ra có mặc cảm.

Tôi thì già dặn hơn, đã từng đi nước ngoài, có sự tự tin từ bé, nên tôi không bị mặc cảm đó. Vào chợ Bến Thành, người dẫn đường nói lớn, các anh ở R về, bà con bán hàng đừng bán đắt nhé!

Xôn xao một lúc là cả chợ biết. Đó là những ngày đầu tiên.

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 9.

Vương Khánh Luông trong quán phở ở Sài Gòn tháng 5-1975. Tư liệu Nguyễn Hữu Tuấn

* Những chàng trai Hà Nội có gặp cú sốc văn hóa nào kiểu đồ ăn lạ không?

Đồ ăn thì thường thanh niên cũng chỉ biết ăn cho no. Nhưng có kỷ niệm vui vui là đi ăn phở ở Sài Gòn.

Cậu Vương Khánh Luông (sau là Xưởng trưởng Xưởng phim Tài liệu của Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương) phát hiện ra trong hẻm gần chỗ ở “có hiệu phở to lắm”.

6 giờ rưỡi sáng hôm sau, chúng tôi đã đi ăn. Luông lúc ấy mới 19 tuổi, da trắng, thấy con gái là mặt đỏ bừng nên cô bán hàng chắc để ý, cứ mủm mỉm cười.

Ăn xong về khách sạn thì các thầy (NSND Lê Đăng Thực, NSND Trần Thế Dân) và các bạn lúc này mới dậy, thầy lại rủ đi ăn, lần này thầy trả tiền.

Hai cậu trai lại giả vờ chưa ăn sáng, cũng đi cùng. Thầy hỏi đi đâu, cậu Luông trẻ người non dạ nhanh nhảu chỉ đến quán phở. Lần này thầy cho cả nhóm ăn mỗi người hai bát, như vậy là tôi và Luông ăn tận ba bát trong buổi sáng.

* Ông có quan sát đời sống văn nghệ những ngày đó ở Sài Gòn không?

Chúng tôi được phổ biến đi quay cảnh sinh viên đốt văn hóa phẩm đồi trụy ở sân Trường Sư phạm. Lúc sinh viên đốt, tôi giở ra xem và có lẩm bẩm nói, sách này tốt mà.

Chỉ nói thầm vậy mà đã lan truyền trong sinh viên ngay sau đó, có ông bộ đội bảo sách không sao.

Bài hát miền Nam thì trước đã biết rồi, còn ấn tượng đầu tiên chính là lúc sinh viên sinh hoạt tập thể, họ hát bài Nối vòng tay lớn của Trịnh Công Sơn.

* Bao lâu sau ông về Hà Nội và nhìn lại Hà Nội ông có cảm giác gì?

Ngày Sài Gòn cầm tay Hà Nội... - Ảnh 10.

Khoảng 3-4 tháng sau tôi trở về Hà Nội. Tôi từng đi nước ngoài về, từng có cảm giác Hà Nội nghèo quá.

Lần này thì không còn cảm giác ấy, vì có nhiều chuyện phải kể quá, nhiều quà phải chia cho mọi người, bạn bè… nhiều khi chỉ là cái bút dạ cho bạn bè, nước hoa cho bạn gái.

Lúc đó, về Hà Nội chỉ có cảm giác là được về nhà, yên tâm tự hào về một việc đặc biệt đã làm được là quay những thước phim mình cho là tốt.

* Trong gia đình ông lúc ấy, việc thống nhất hai miền có tạo ra cảm xúc gì không?

Gia đình tôi là hiệu vải Tam Kỳ từ thời Pháp, mẹ tôi hồi đó có danh sách những người nợ tiền hàng đã di cư vào Nam năm 1954.

Trước khi đi mẹ tôi có dặn là con vào Sài Gòn thì tìm đến đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), hỏi thăm mấy bác bạn hàng cũ. Hồi đó người Hàng Đào vào sống nhiều ở cùng một dãy.

Một tối tôi rủ cậu Luông đến một nhà, có lẽ họ cũng bất ngờ. Nhưng tôi tránh nói đến việc nợ nần mà nói mẹ cháu bảo vào nếu bỡ ngỡ thì đến thăm bác.

Đôi bên cũng chẳng biết làm gì ngoài việc uống nước chè, ăn bánh quy và nói chuyện. Ra về, mặc dù nghĩ đến lời mẹ nhưng tôi cũng thấy ngượng nên không quay lại đó. Họ cũng không đến tìm tôi.

Nghĩ lại về cuộc gặp gỡ Nam Bắc năm ấy, tôi nghĩ đến cảm xúc trước thời khắc lịch sử ấy, người Hà Nội thực ra không bộc lộ một cách ồn ào, mà chỉ vui râm ran thôi. Điều đó là thực tế chiến tranh.

Người Hà Nội đã mừng hụt vài lần, như hồi năm 1968 tưởng thắng lợi đến nơi rồi, sau đó việc trải qua 12 ngày đêm tháng chạp 1972 bị bom B-52 tàn phá vẫn còn làm họ bàng hoàng, nên có lẽ tin chiến thắng làm người ta chùng xuống, không bộc lộ ào ào như cách truyền thông sau này dựng lại.

————————————————————————–

Nội dung: NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ

Thiết kế: VÕ TÂN

Tuoitre.vn

Nguồn: https://tuoitre.vn/ngay-sai-gon-cam-tay-ha-noi-20240427145929171.htm

Cùng chủ đề

Ngày 30.4.1975, mỗi khoảnh khắc đều là lịch sử

NSƯT - BTV Kim Cúc - người đọc bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh Đài tiếng nói Việt Nam ngày 30.4.1975 đã ví, vào ngày hôm ấy, mỗi khoảnh khắc đều trở thành lịch sử. NSƯT- BTV Kim Cúc. Ảnh: Thu Giang Phóng viên tìm đến nhà của BTV Kim Cúc nằm trong khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (128C Đại La, Hà Nội) nhưng gia đình cho biết, ở tuổi 80 sức khỏe của bà không...

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Chương trình Bản hùng ca vang mãi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mừng ngày thống nhất non sông

Ở chương ba mang tên "Việt Nam - Khát vọng hùng cường", khán giả được thưởng thức ba ca khúc: Giai điệu tự hào (nhóm MTV thể hiện), Một vòng Việt Nam (Đan Trường hát) và ca khúc Khát vọng hùng cường (nhóm Lạc Việt, Trúc Lai, Quyên Quỳnh, Thùy Trinh, nhóm ca MTV Sài Gòn hòa giọng). Thông qua đây, ban...

Tiềm năng hợp tác Việt – Mỹ trong ngành bán dẫn

Việt Nam có cơ hội lớn để tăng cường sự hiện diện trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn. Để làm được điều này, Việt Nam cần sớm xây dựng môi trường đầu tư thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng. Ông Ramin Toloui chia sẻ về cơ hội hiện diện của Việt Nam trong chuỗi ung ứng sản xuất chất bán dẫn của Mỹ trong cuộc...

Anh đào và thời hậu chiến win-win

1. Trong tâm trí nhiều người thì cuộc chiến không dễ kết thúc. Tôi nhớ năm 2002, khi vào thăm một đại học cộng đồng ở Seattle, tôi bất ngờ được mời gặp hiệu trưởng. Ông từng tham chiến ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên ông gặp một người Việt đến từ trong nước. Ông hỏi tôi về những...

Gần 7.500 VĐV tham gia Giải chạy ‘VTTU – WE ARE ONE’

Các VĐV đang tập trung tại Quảng trường Thần Mặt Trời của VTTU Sáng 28-4, gần 7.500 VĐV là đại diện các sở, ngành, đoàn thể, người dân, học sinh THPT thuộc tỉnh Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 52 VĐV là người khuyết tật của...

Điểm vui chơi dưới nước, trong nhà ở Đà Nẵng ‘hốt bạc’ nhờ… quá nóng

Điểm vui chơi, tham quan ngoài trời Đà Nẵng thưa vắngTrong khi đó, các điểm vui chơi tham quan ngoài trời ở...

Bài đọc nhiều

Nữ tiến sĩ giỏi giang, đã kết hôn nhưng vẫn quyết tâm trở thành giáo sư

Dù đang có được hôn nhân viên mãn nhưng tiến sĩ Nguyễn Cao Thùy Giang (28 tuổi), vẫn không "dừng cuộc chơi" mà quyết tâm trở thành giáo sư. Giang đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ - trợ lý giáo sư tại ĐH Massachusetts (Mỹ). Tiến sĩ Giang từng là sinh viên xuất sắc ngành công nghệ sinh học Trường ĐH Cần Thơ. Giang cho biết trước đây rất thích học về vật liệu y dược và biết được...

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Hội nghị triển khai công tác của Ban...

Cùng dự có: Phó Tổng Thư ký Thường trực Ban Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Phó...

Tháng 4/2024, hoàn thành kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến các dự án AIC thực hiện

(ĐCSVN) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Nghiêm Phú Cường yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến các dự án, gói thầu do AIC thực hiện, hoàn thành việc kiểm tra, xử lý và báo cáo UBKT Trung ương trong tháng 4/2024.   Ngày 5/4, tại tỉnh Sơn La, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm tra,...

Những điểm du lịch mùa hè ‘mát lạnh’ tại Việt Nam

Phong cảnh ở Việt Nam luôn gây ấn tượng cho khách du lịch trên toàn thế giới. Bạn không cần phải đi đâu xa, hãy khám phá đất nước chúng ta với những phong cảnh tuyệt đẹp luôn níu chân những du khách khó nhất... Nguồn:https://www.youtube.com/watch?v=zVEb-ZM21Sk  

Xuất hiện biển mây trắng tràn trên Núi Bà Đen, cảnh đẹp siêu thực gây sốt MXH

6h sáng ngày 9/4, biển mây trắng tinh xuất hiện trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) tạo nên khung cảnh vừa kì ảo vừa nên thơ, thu hút sự chú ý của du khách khắp nơi. Hình ảnh biển mây trắng tinh chảy tràn trên đỉnh núi Bà Đen vào ngày 9/4 (tức mùng 1 tháng 3 Âm lịch) khiến nhiều người chú ý trong 2 ngày qua. Bộ ảnh thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác trên...

Cùng chuyên mục

Bãi tắm, khu vui chơi tại Phan Thiết đông nghẹt du khách

NDO - Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) đón nhiều du khách tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch. Các bãi tắm biển, khu vui chơi, cửa hàng dịch vụ ăn uống đông nghẹt người. Hơn 15 giờ ngày 29/4, bãi tắm Đá Ông địa (phường Phú Hài) đã có nhiều du khách xuống tham quan, chụp ảnh. Do thời tiết nắng nóng, nhiều du khách cũng xuống tắm...

Bị từ chối bàn thắng và mất người, U23 Indonesia gục ngã trước Uzbekistan

(Dân trí) - U23 Indonesia không thể tạo nên bất ngờ trước U23 Uzbekistan. Sau 90 phút thi đấu, họ thất bại 0-2 trước đại diện Trung Á trong bối cảnh chỉ còn 10 người. U23 Indonesia tràn đầy tự tin bước vào trận đấu bán kết giải U23 châu Á gặp U23 Uzbekistan trên sân Abdullah bin Khalifa. Dù vậy, đội bóng xứ Vạn đảo không thể gây bất ngờ. Sau 90 phút thi đấu, U23 Indonesia đã hứng chịu thất...

Người dân Đà Nẵng vật vã chống chọi với nắng nóng kỷ lục

27/04/2024 | 16:15 TPO - Bắt đầu kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Đà Nẵng bước vào đợt nắng nóng gay gắt với mức nhiệt độ lên đến hơn 40 độ C. Người dân vật vã chống chọi với nắng nóng kỷ lục. ...

Bãi biển Vũng Tàu đông nghịt người

Thời tiết nắng nóng, hàng chục nghìn du khách đổ ra biển vui chơi khiến hơn 3 km Bãi Sau trên đường Thùy Vân đông nghịt người, chiều 29/4. Nguyễn Khoa - Việt Quốc - Đỗ Nam Vnexpress.net Nguồn:https://video.vnexpress.net/?_gl=1*fkxe82*_gcl_au*MTE2ODIwNDQ2MS4xNzEwNjY3MDMz

Thúc đẩy hợp tác văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Nhật Bản

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa...

Mới nhất

Người Việt tại Macau (Trung Quốc) hòa chung niềm tự hào dân tộc

Chiều 28/4, tại Khu hành chính đặc biệt Macau (Trung Quốc), Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Macau phối hợp với Hiệp hội người Việt Nam tại Macau, đã tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ “Ký ức tháng Năm” nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống...

Chiều bớt nóng, giới trẻ ra hồ Tây ngắm hoàng hôn

TPO - Trái ngược cảnh nắng nóng buổi sáng và trưa, chiều 29/4, thời tiết mát mẻ, nhiều nhóm bạn đổ về các khu vực ven hồ Tây tạo dáng chụp ảnh với ánh nắng hoàng hôn, cùng nhau đạp vịt tận hưởng không khí kỳ nghỉ lễ. Tienphong.vn Nguồn:https://tienphong.vn/video-clip/

Chương trình Bản hùng ca vang mãi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ mừng ngày thống nhất non sông

Ở chương ba mang tên "Việt Nam - Khát vọng hùng cường", khán giả được thưởng thức ba ca khúc: Giai điệu tự hào (nhóm MTV thể hiện), Một vòng Việt Nam (Đan Trường hát) và ca khúc Khát vọng hùng cường...

Mới nhất