Thông tin trên được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết khi báo cáo tại hội nghị tổng kết năm diễn ra sáng nay, 20/12.

Theo đó, dù nhiều khó khăn, thách thức, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ghi nhận kết quả kinh doanh vượt kế hoạch. 

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết PVN hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh. Về sản xuất, gia tăng trữ lượng đạt trên 13 triệu tấn, vượt 83% so với kế hoạch. Khai thác dầu khí hoàn thành khoảng 10,43 triệu tấn và sẽ vượt khoảng 12,3% so với kế hoạch.

Khai thác khí đạt khoảng 7,48 tỷ m3 khí, vượt 26% kế hoạch nhưng mới chỉ đạt khoảng 92% so với khả năng sản xuất. Về sản xuất xăng dầu, PVN đạt 7,35 triệu tấn, vượt 33% so với kế hoạch và tăng 5,6% so với cùng kỳ (nếu tính cả sản lượng của Lọc dầu Nghi Sơn là 11,88 triệu tấn). Sản xuất đạm đạt 1,75 triệu tấn, đạt 94% kế hoạch của cả năm. 

PVN đạt tổng doanh thu năm 2023 khoảng 940.500 tỷ đồng, tăng so với năm 2022. Nộp ngân sách của tập đoàn đạt 151.800 tỷ đồng, vượt 94% so với kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất đạt xấp xỉ 54.000 tỷ đồng.

pvep2 pvn.jpg
Dầu khí có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. (Ảnh: PVEP).

Trong khi đó, theo Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), năm 2023 đơn vị này đạt tổng doanh thu 30.150 tỷ đồng, vượt trên 10% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 252 triệu USD, vượt 35% so với kế hoạch. Lợi nhuận đạt 1.819 tỷ đồng, vượt gần 30% với kế hoạch. Nộp ngân sách đạt gần 14.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt gần 23 triệu đồng/người/tháng. 

Còn theo ông Ngô Hoàng Ngân, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), năm 2023 TKV nộp ngân sách nhà nước cao nhất từ trước đến nay, các mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận cũng tăng so với kế hoạch.

Nộp ngân sách gần 80.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023 tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 1,135 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm 2022.

Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256,32 tỷ đồng (không tính EVN) bằng 166,09% kế hoạch và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. 

19 tập đoàn, tổng công ty này nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252,01 tỷ đồng bằng 199,96% kế hoạch và bằng 120,22% so với cùng kỳ năm 2022.

Về đầu tư phát triển, số vốn đã giải ngân hơn 161.000 tỷ đồng (bằng gần 80% kế hoạch năm). Các tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng có tỷ lệ giải ngân đầu tư cao. Toàn Tập đoàn TKV hoàn thành thực hiện đầu tư 8.773 tỷ đồng/9.006 tỷ đồng, tương đương 97% kế hoạch.

EVN hoàn thành thực hiện đầu tư 90.997 tỷ đồng/91.920 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch. PVN hoàn thành thực hiện đầu tư 31.853 tỷ đồng/57.752 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tổng giá trị thực hiện đầu tư của các năm vừa qua.

Nhiều dự án kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng đã được hoàn thành hoặc được tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để triển khai thực hiện. Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, Kho cảng nhập LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn, đã hoàn thành và đưa vào vận hành từ ngày 29/10. Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 28/4. Dự ánxây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 2/12.

Đại diện TKV chia sẻ tập đoàn có thể tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành điện, nhưng khi tăng sản lượng sẽ vượt so với giấy phép. Do đó, đại diện TKV kiến nghị tháo gỡ điểm nghẽn này trong  năm 2024, năm TKV dự kiến sản lượng than sẽ tăng lên 50 triệu tấn. 

Năm 2024 các đơn vị sẽ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, kế hoạch, đề án quan trọng, điều lệ tổ chức hoạt động để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển 5 năm 2021-2025; đề án cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2021-2025; sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động phù hợp với các quy định pháp luật mới được ban hành.