Phóng viên (PV): Thưa bà, trong thời gian gần đây thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được nhắc đến rất nhiều trên các diễn đàn, liệu có phải tỷ lệ người sử dụng các loại thuốc lá này đang gia tăng?

Bác sĩ Phan Thị Hải: Đúng là hiện có một thực tế, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở lứa tuổi trẻ. Theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13-15 là 3,5%.

Bằng chứng từ các nước cho phép sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy thuốc lá điện tử là nguyên nhân cho việc bắt đầu sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở thanh thiếu niên bởi bản chất vẫn là nghiện chất nicotin. Vì vậy, thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử có nhiều khả năng trở thành người hút thuốc lá điếu thông thường. Thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc nhưng sử dụng thuốc lá điện tử thì tỷ lệ chuyển sang hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn 2-3,5 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế).

Việt Nam vốn là quốc gia có tỷ lệ nữ giới là người trưởng thành hút thuốc lá rất thấp so với nam giới. Tuy nhiên với sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá điện tử hướng đến người tiêu dùng là phụ nữ và trẻ em, tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá sẽ tiếp tục gia tăng nhanh chóng. Kèm theo đó sẽ là các hệ lụy về chất lượng giống nòi do hiện tượng nữ hóa vị thành niên, thanh niên, người trong độ tuổi sinh sản hút thuốc lá.

Nếu chúng ta không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Chúng ta sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ.

PV: Nhiều người cho rằng thuốc lá điện tử không nguy hại bằng thuốc lá điếu thông thường và cho rằng đây là cách để cai nghiện thuốc lá, bà có quan điểm như thế nào về nhận thức này?

Bác sĩ Phan Thị Hải: Theo WHO, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nicotine gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa… Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol (có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi). Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây gây khô miệng và viêm đường hô hấp trên. Để làm cho sản phẩm dễ chịu hơn, dễ hít vào hơn và tạo mùi vị hấp dẫn, thu hút người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, các nhà sản xuất còn sử dụng rất nhiều loại hương liệu có mùi vị như: Bạc hà, táo, cam, chanh… trong thuốc lá điện tử. Hiện có khoảng 20.000 loại hương liệu, trong đó có nhiều loại chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại với sức khỏe.

 Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh do Bệnh viện cung cấp)

Trong báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: Tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

PV: Hiện nay, Việt Nam đã cấp phép lưu hành cho các loại thuốc lá điện tử chưa, thưa bà?

Bác sĩ Phan Thị Hải: Thuốc lá điện tử là loại sản phẩm không được quy định trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá nên chưa được phép nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và lưu hành. Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng là các sản phẩm mới vào Việt Nam nên chưa được nghiên cứu để đề xuất đưa vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh của Luật Đầu tư. 

Tại Hội nghị, các bên tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (COP 8), WHO đã khuyến cáo: Việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.

PV: Vậy Việt Nam đã có những giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng thuốc lá điện tử đang xâm nhập trái phép và ảnh hưởng đến giới trẻ?

Bác sĩ Phan Thị Hải: Vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong đó, Chiến lược cũng nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.     

Để ngăn ngừa các sản phẩm này, chúng tôi cũng mong có sự chung tay của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

MINH HÀ (ghi)