Chưa phân định rõ ràng nội hàm bồi thường, hỗ trợ

Theo đại biểu Quốc hội Trần Đình Văn (Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng), nội hàm bồi thường, hỗ trợ hiện chưa có sự phân định rõ ràng. Những vấn đề như hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian tạm cư, hỗ trợ ổn định cuộc sống, hỗ trợ đào tạo nghề như quy định hiện hành thực chất là những thiệt hại mà người có đất bị thu hồi phải gánh chịu, Nhà nước buộc phải bồi thường chứ không phải hỗ trợ.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội số 7 Nguyễn Thị Thanh Hải điều hành thảo luận tại tổ.

Đại biểu Trần Đình Văn cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng về các nguyên tắc cho hoạt động hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc Nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai năm 2013.

Do vậy, đại biểu Trần Đình Văn đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự để vừa bảo đảm quyền lợi cho người dân, lại vừa bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Lý giải cho đề xuất của mình, đại biểu Trần Đình Văn nêu quan điểm: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước khi thu hồi đất có quyền áp dụng cơ chế bồi thường theo ý chí của Nhà nước, thể hiện cụ thể trong phương pháp, phương án phê duyệt bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, với các tài sản trên đất như nhà ở, công trình xây dựng, cây trồng thuộc sở hữu của người dân thì Nhà nước phải thực hiện cơ chế thỏa thuận dân sự về bồi thường thiệt hại, chứ không phải theo phương thức hành chính.

Cũng liên quan tới bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Trần Đình Văn nêu thực tế tại Lâm Đồng đã xảy ra việc đã thu hồi đất của dân, nhưng chậm thực hiện bố trí tái định cư dẫn tới giá đất tăng, người dân phải chịu phần giá đất tăng dẫn tới người dân khiếu kiện, nhưng cán bộ làm sai thì không phải chịu trách nhiệm.

Từ đó, đại biểu đề nghị cần đặt ra những quy phạm xác định rõ trách nhiệm trong trường hợp chậm bố trí tái định cư hoặc chậm chi trả tiền bồi thường hỗ trợ tái định cư. Sau đó, do giá đất tăng, Nhà nước điều chỉnh thêm tiền sử dụng đất mà người dân phải nộp đối với đất tái định cư. Trong khi đó lỗi không phải do người bị thu hồi đất. “Đó là việc làm sai từ cán bộ thực thi nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, không thể buộc người dân phải gánh chịu”, đại biểu Trần Đình Văn nói.

Bổ sung nhiều quy định được thực tế chứng minh là phù hợp

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định tại các nghị định được thực tiễn chứng minh là phù hợp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong tổ chức thực thi.

Cụ thể là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đa dạng hóa hình thức bồi thường, quy định về trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc.

Bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ…

CHIẾN THẮNG