Thánh địa Mỹ Sơn.

“Giáo viên của tôi là một nhà nhân chủng học từng sống một năm rưỡi ở Việt Nam. Những chia sẻ của thầy về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam đã thực sự truyền cảm hứng để tôi tìm hiểu sâu hơn về đất nước các bạn. Và như bạn thấy đấy, tôi đã có mặt ở đây, tại di tích Thánh địa Mỹ Sơn”, đó là chia sẻ của chị Borbala Banya, du khách người Hungary với phóng viên Báo Quân đội nhân dân. 

Sau khi có hơn một ngày trải nghiệm ở thành phố Đà Nẵng, chị Banya đang cùng chồng tới khám phá khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hai vợ chồng chị bị chinh phục bởi vẻ đẹp cổ kính và kỳ bí của quần thể kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn nằm gọn trong một thung lũng có núi bao bọc bốn bề và cây cối hoang dã. 

 Chị Borbala Banya, du khách người Hungary.
Vợ chồng chị Borbala Banya bị thu hút bởi vẻ đẹp cổ kính của Thánh địa Mỹ Sơn.

Trải qua thời gian, dù bị thiên tai và chiến tranh tàn phá nặng nề, song Thánh địa Mỹ Sơn vẫn là một trong những điểm du lịch độc đáo nhất của tỉnh Quảng Nam. Với vẻ đẹp huyền bí, mang đậm dấu ấn văn hóa của kiến trúc Champa, nơi đây hàng năm thu hút không chỉ nhiều du khách trong và ngoài nước, mà còn là điểm đến ưa thích của các nhà thám hiểm muốn khám phá và chinh phục. 

Theo con số thống kê, trong năm 2022, khách nước ngoài đến Thánh địa Mỹ Sơn đạt gần 67.000 lượt, chỉ bằng 25% so với trước dịch Covid-19 (năm 2019), nhưng lượng khách nước ngoài tới thăm Di sản văn hóa thế giới này có dấu hiệu phục hồi. 6 tháng đầu năm 2023, lượng khách nước ngoài thăm Thánh địa Mỹ Sơn đã tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên ngôi tháp Chăm rêu phong cổ kính ở Thánh địa Mỹ Sơn, chị Banya chia sẻ: “Với Việt Nam tôi bị ngạc nhiên và thu hút bởi nhiều điều mới mẻ. Không chỉ vì những nét văn hóa độc đáo của đất nước các bạn mà còn bởi bức tranh đa sắc màu ở Việt Nam. Chúng tôi có thể thấy cuộc sống sôi động của người dân ở những thành phố lớn phát triển như Đà Nẵng hay thủ đô Hà Nội. Tôi vẫn nghĩ rằng, cuộc sống của người Á Đông rất khép kín. Nhưng tới Việt Nam, tôi thấy sự khác biệt. Ở Việt Nam, chúng tôi cảm nhận sự thân thiện, cởi mở của người dân. Chúng tôi có thể thấy cuộc sống của người dân ngay trên các đường phố ở Hà Nội hay những thành phố mà chúng tôi tới. Điều thú vị là tôi thấy người dân rất vui vẻ và luôn tươi cười. Những điều này khiến tôi ngạc nhiên, vì gần 50 năm trước, Việt Nam còn chìm trong chiến tranh, nghèo đói, vậy mà bây giờ đã có diện mạo phát triển đáng kinh ngạc như vậy”.  

“Như ở thành phố Đà Nẵng, nơi chúng tôi chỉ có 1 ngày rưỡi để trải nghiệm, nhưng đã được chứng kiến mọi thứ đều rất phát triển và sạch đẹp. Nơi đây giống như một công trường đang xây dựng, nhưng chúng tôi không cảm thấy không quá đông đúc mà thay vào đó đây quả là nơi đáng sống, cho dù còn chút bất tiện về giao thông”, chị Banya cho biết thêm. 

“Ở Sa Pa cũng vậy, mọi thứ đều thay đổi chỉ sau 2 năm” – Điều này chị Banya được nghe từ thầy giáo của mình vì ông đến Sa Pa 2 năm một lần. Nhiều tòa nhà mới được xây dựng ở nơi đây. Thầy không thể nhận ra góc phố nơi mình đã sống khoảng 2-3 năm trước, thậm chí là cả khách sạn nơi ông từng ở cũng vậy. Những dấu hiệu của sự phát triển như vậy là rất tốt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Nhưng những công trình quan trọng có giá trị văn hóa, lịch sử cần được bảo tồn nguyên hiện trạng vẫn là điều tốt hơn.

“Ở Sa Pa, tôi được dẫn tới tham quan một gia đình người dân tộc bản địa, nhưng thực sự họ không còn phải là một gia đình bản địa nguyên bản với những nét văn hóa truyền thống như trước đây. Tiếc là nơi đây đã bị thương mại hóa và bị biến thành nơi để thu hút khách du lịch”, chị Banya bày tỏ. 

“Tới Thánh địa Mỹ Sơn, chúng tôi rất vui nhận thấy khu di tích đã được gìn giữ, bảo tồn rất tốt theo hướng bền vững, từ đó khẳng định quần thể kiến trúc cổ kính này là điểm đến Di sản văn hóa thế giới được yêu thích hàng đầu trên bản đồ du lịch Việt Nam đối với du khách quốc tế”, du khách Banya chia sẻ.

Công tác quản lý, bảo tồn Thánh địa Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả quan trọng. Di sản đã tiếp nhận, hợp tác với các tổ chức, đơn vị và cá nhân trong và ngoài nước nhằm hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn gắn với phát triển du lịch bền vững. 

Thời gian tới, Quảng Nam nói chung và Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác trùng tu, tôn tạo khu di tích, cùng với đó, tăng cường kết nối với các điểm đến khác để xây dựng và phát triển các loại hình du lịch, nâng cao chất lượng và giá trị của di sản, góp phần phát triển hơn nữa tiềm năng du lịch của địa phương.

Bài và ảnh: MAI NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.