Không thể phủ nhận việc mất điện kéo dài làm giảm chất lượng sống của con người, gây cú sốc cho kinh tế và thậm chí kích hoạt khủng hoảng nhân đạo. Giải quyết vấn đề thiếu điện sẽ vẫn là một “bài toán” đối với mỗi khu vực, quốc gia và người dân. 

Tình cảnh chung

Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và các tổ chức cho biết, thế giới đang chứng kiến “đà giảm tốc trong vấn đề điện khí hóa toàn cầu”. Theo đó, khoảng 675 triệu người trên toàn cầu đang không có điện để sử dụng, chủ yếu ở khu vực cận Sahara tại châu Phi, giảm một nửa trong thập kỷ qua. Bất chấp những nỗ lực và một số tiến bộ, đó vẫn là con số rất cao. Tuy thế, hãy để câu chuyện thu hẹp khoảng cách tiếp cận năng lượng một bên và tập trung đến vấn đề nguồn cung điện phập phù, ngắt điện luân phiên ở một số nước.

 Người dân tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc phải sử dụng đèn pin điện thoại trong bối cảnh cắt điện luân phiên. Ảnh: AP

Nền kinh tế Trung Quốc đang trải qua quãng thời gian khó khăn khi liên tiếp gặp các thách thức, mà mới đây nhất là khủng hoảng thiếu điện năm 2021. Kể từ cuối tháng 9 năm đó, tình trạng cắt điện luân phiên ở Trung Quốc đã lan ra một nửa quốc gia. Không những nhiều nhà máy phải cắt giảm sản xuất mà đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng, thậm chí có nguy cơ làm chậm lại quá trình phục hồi của nền kinh tế quốc gia tỷ dân và tạo áp lực cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyên nhân của đợt khủng hoảng lần này trước tiên là do nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng đột biến ở Trung Quốc, sau khi nước này kiểm soát được dịch bệnh và nhanh chóng khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch phục vụ cho sản xuất điện lại giảm. Mặt khác, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc một phần là do những biện pháp mạnh mẽ nhằm cắt giảm khí thải của nước này trong nỗ lực xanh hóa nền kinh tế. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc phải tiết kiệm điện trên quy mô lớn. Từ năm 2000 trở lại đây, nước này đã ít nhất 3 lần xảy ra các cuộc khủng hoảng do thiếu điện.

Cụ thể, các trung tâm thương mại lớn ở thành phố Trùng Khánh chỉ có thể hoạt động trong khoảng thời gian 16-21 giờ. Tỉnh Tứ Xuyên lân cận cũng ra lệnh kéo dài thời gian cắt điện công nghiệp. Tại tỉnh Giang Tô, hầu hết các nhà máy thép đã đóng cửa và một số thành phố phải tắt đèn đường. Ở tỉnh Chiết Giang gần đó, khoảng 160 công ty sử dụng nhiều điện, bao gồm các xưởng dệt may, cũng phải đóng cửa. Trong khi ở Liêu Ninh, tỉnh nằm ở phía Bắc Trung Quốc, 14 thành phố đã được lệnh cắt điện khẩn cấp.

Việc các tập đoàn hóa dầu lớn của Trung Quốc phải ngừng hoạt động do thiếu điện đã khiến giá polymer cơ bản (hóa chất được sử dụng rộng rãi trong công nghệ hiện đại) tăng 10%. Cá biệt, vốn là một tỉnh có nguồn lực thủy điện lớn ở Trung Quốc (chiếm 19% tổng công suất cả nước), nhưng đến nay Vân Nam đã trải qua ba đợt cắt điện quy mô lớn sau hai đợt cắt điện vào tháng 9-2022, mà chủ yếu đến từ việc thiếu nguồn cung cấp nước cục bộ. Hiện tại, không có thời gian biểu cho việc cắt điện. Để đảm bảo an toàn cung ứng điện, sắp xếp hợp lý, có trật tự tiêu thụ điện năng, tỉnh này đề ra biện pháp kiểm soát chặt chẽ, theo trình tự: “An toàn làm tiền đề đầu tiên, so le các đỉnh, tránh đỉnh, sau đó hạn chế và cuối cùng là ngắt điện”.

 Cảnh đêm tại Mumbai, Ấn Độ ngày 24-6-2020. Ảnh: TTXVN

Một quốc gia tỷ dân khác là Ấn Độ cũng không đứng ngoài “xu hướng” cắt điện trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục và nhu cầu tiêu thụ điện tăng đột biến vào mùa hè. Năm ngoái, những đợt mất điện và cắt điện luân phiên lan rộng ở hơn 1 nửa số tiểu bang của Ấn Độ. Hệ thống năng lượng sản xuất từ than đá của quốc gia này có thể còn gặp nhiều căng thẳng hơn nữa khi nhu cầu sử dụng điện gần đây đạt mức cao kỷ lục sẽ tiếp diễn. Ngay cả khi đợt nắng nóng 46 độ C tạm thời kết thúc, các hộ gia đình và doanh nghiệp Ấn Độ vẫn phải đối mặt với tình trạng nguồn điện liên tục bị gián đoạn do lượng than dự trữ tại các nhà máy và nhiên liệu sụt giảm vì giá tăng kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra. Vừa qua, nhiều bang phía Đông Ấn Độ cũng xảy ra tình trạng mất điện diện rộng thường xuyên, nhất là vào ban đêm. Trong khi đó, Mumbai, thành phố lớn thứ hai Ấn Độ, có lượng điện tiêu thụ trung bình ngày đầu tháng này đạt mức cao nhất lịch sử, khiến một số quận tại đây phải cắt điện luân phiên. Đầu tháng 6 này, Sở Điện lực bang Nagaland (Ấn Độ) cho biết, họ buộc phải sa thải phụ tải trên khắp bang do các nhà máy thủy điện bị thiếu nước để sản xuất điện.

Trong khi đó, Bangladesh cũng đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất 10 năm qua, với lượng điện thiếu hụt đầu tháng 6 ước tính lên tới 15%, cao hơn gấp 3 lần so với tháng 5. Tình trạng cắt điện do nắng nóng gay gắt đang diễn ra thường xuyên tại Bangladesh, trong đó việc mất điện không báo trước kéo dài từ 10 đến 12 giờ đồng hồ. Người dân Bangladesh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất kể từ năm 2013. Trong cả năm 2022, nước này cắt điện tổng cộng 113 ngày, thế nhưng chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, Bangladesh đã buộc phải cắt điện 114 ngày do thời tiết nắng nóng gay gắt và khó thanh toán nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh dự trữ ngoại hối và giá trị đồng tiền nội tệ suy giảm.

Tại Thái Lan, nhiệt độ cao khiến nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng, đặt hệ thống điện ở mức báo động. Ủy ban Điều tiết năng lượng Thái Lan (ERC) cho biết, nắng nóng cực đoan khiến nhu cầu sử dụng điện của nước này có thời điểm lên gần 35.000MW chỉ trong một ngày. Đây là mức tiêu thụ điện kỷ lục trong mùa nắng nóng của nước này và cao hơn tới 6% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số địa phương tại Thái Lan đã xảy ra các sự cố điện lưới diện rộng khi chịu quá tải cục bộ. Nắng nóng cũng khiến các hồ nước tại Thái Lan suy kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, gồm cả thủy điện. Giới chức nước này kêu gọi nông dân cân nhắc không canh tác lúa gạo vụ hai hoặc canh tác loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo nguồn cung nước cho các hoạt động khác, bao gồm cả sản xuất điện.

Hạn hán ở Somalia. Ảnh: Africanews.com

Về phần mình, Nam Phi vẫn phải vật lộn với tình trạng mất điện liên tục trên toàn quốc, kéo dài, với số lần cắt điện ở Nam Phi năm 2022 cao gấp đôi so với những năm trước đó và tình trạng này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Tình trạng thảm họa quốc gia đã được Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa công bố vào đầu tháng 2-2023. Các dự báo của chính Công ty điện lực Nam Phi Eskom cho thấy, các doanh nghiệp của Nam Phi và 60 triệu dân của nước này sẽ bị cắt điện trong ít nhất một năm nữa. Eskom chịu trách nhiệm cung cấp phần lớn điện năng cho Nam Phi. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than luôn trong tình trạng quá tải và không được bảo trì trong nhiều năm. Năm ngoái, quốc gia này đã thực hiện cắt điện luân phiên ở cấp độ cao nhất. Theo đó, người dân Nam Phi phải chịu cảnh bị cắt điện nhiều lần trong ngày với mỗi lần cắt điện kéo dài từ 2 đến 4 giờ đồng hồ.

Pháp cũng không ngoại lệ. Từ một nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu, Pháp giờ đây buộc phải nhập khẩu điện từ Anh, Đức và Tây Ban Nha bởi tình trạng thiếu hụt điện. Từng được ví như cường quốc điện hạt nhân, trở thành điển hình trên thế giới với ngành điện thải ít khí gây hiệu ứng nhà kính, đất nước hình lục lăng giờ đây đã phải vận hành trở lại một nhà máy nhiệt điện than dù trước đây chính quyền Paris cam kết cho đóng cửa toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than. Trong bối cảnh cung ít, cầu nhiều, lưới điện quốc gia quá tải, gây mất điện đồng loạt diện rộng, chính phủ Pháp buộc phải đưa ra biện pháp cắt điện luân phiên theo khu vực trong trường hợp mức tiêu thụ điện chạm mức báo động. Theo France Info, 60% người dân Pháp bị cắt điện luân phiên. Điện bị cắt theo các khu vực nhỏ, trong giờ cao điểm các ngày trong tuần, trong khoảng từ 8 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ, trừ cuối tuần và ngày lễ.

Người dân tại nước Mỹ hoa lệ – nền kinh tế lớn nhất toàn cầu – cũng phải trải qua tình trạng mất điện, cắt điện. Dù điện vẫn sáng trong 99% thời gian, những đợt mất điện đột ngột vẫn khiến nước Mỹ thất thoát ít nhất 150 tỷ USD/năm, mà nguyên nhân đa phần đến từ hệ thống điện già cỗi và thiên tai. Theo một phân tích, nước Mỹ có số đợt mất điện nhiều hơn bất kỳ quốc gia phát triển nào. Nghiên cứu bởi Massoud Amin, một kỹ sư điện và máy tính tại Đại học Minnesota (Mỹ) cho thấy, những người sống ở khu thượng Trung Tây nước Mỹ bị mất điện trung bình 92 phút/năm, trong khi con số này ở Nhật chỉ là… 4 phút. Theo so sánh của Galvin Electricity Initiative, khách hàng sử dụng điện tại Mỹ trung bình phải chịu “sống trong bóng tối” nhiều hơn 8 quốc gia công nghiệp khác.

Liệu “cơn sốt điện” còn tiếp diễn?

Theo IEA, một rào cản đáng kể đối với ngành năng lượng trong tương lai gần, đó là nhu cầu điện năng toàn cầu dự kiến sẽ tăng đột biến. Cụ thể, nhu cầu điện năng toàn cầu dự báo sẽ tăng thêm 5.900 TWh, từ 24.700 TWh năm 2021 và tăng hơn 7.000 TWh vào năm 2030. Ở các nền kinh tế tiên tiến, động lực lớn nhất cho tăng trưởng ở chiều cầu là từ giao thông vận tải. Ở các nền kinh tế đang phát triển, các nguyên nhân bao gồm tăng dân số và tăng nhu cầu làm mát.

Thế giới làm gì để tiết kiệm điện? Ảnh minh họa: Vir.com

Trong bối cảnh các nước ngày càng chú trọng phát triển lĩnh vực điện năng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đồng thời đẩy mạnh khai thác các nguồn sạch hơn, thì cuộc khủng hoảng năng lượng cũng như tác động của biến đổi khí hậu dai dẳng có thể khiến nguy cơ thiếu điện không chỉ xảy ra tại một vài nơi mà có thể rộng khắp, ở bất cứ đâu.

Đơn cử, do thời tiết nắng nóng bất thường, việc đảm bảo nguồn cung ứng điện tại nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc… trong mùa hè năm nay đối mặt với nhiều thách thức. Mới đây, chính phủ Nhật Bản yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp ở khu vực Tokyo tiết kiệm điện trong tháng 7 và tháng 8. Tỷ lệ nguồn cung điện dự phòng ở khu vực đô thị Tokyo trong tháng 7 có thể giảm xuống 3,1%, cao hơn một chút so với mức thấp nhất để duy trì nguồn cung ổn định, nếu nắng nóng cả thập kỷ mới có một lần bao trùm khu vực do Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) phụ trách.

Trong khi đó, mối đe dọa thiếu điện ở Trung Quốc đã thấy rõ từ tháng 5 năm nay với mức tiêu thụ điện đạt kỷ lục kể từ đầu năm ở các tỉnh phía nam. Năm ngoái, đợt nắng nóng ở Trung Quốc – tồi tệ nhất trong 61 năm qua – đe dọa nguồn cung cấp điện của hàng triệu người, đặc biệt là ở các tỉnh phía tây nam và nam. Năm nay, các chuyên gia khí tượng dự đoán nhiệt độ thiêu đốt sẽ tiếp tục. Các chuyên gia cảnh báo, hạn hán nhiều hơn có thể gây nguy hiểm cho việc sản xuất thủy điện – lĩnh vực vốn chiếm 15,3% nguồn cung cấp điện của Trung Quốc trong năm 2022.

Tại Mỹ, nguy cơ thiếu điện đang gia tăng do các nhà máy điện truyền thống bị ngừng hoạt động nhanh hơn so với việc thay thế chúng bằng năng lượng tái tạo hoặc năng lượng dự trữ. Các mạng lưới điện đứng trước áp lực khi Mỹ thực hiện quá trình chuyển đổi lịch sử từ các nhà máy điện thông thường chạy bằng than và khí đốt tự nhiên sang các dạng năng lượng sạch hơn, như năng lượng gió và mặt trời. Các nhà máy điện hạt nhân đã lâu năm dự kiến ngừng hoạt động ở nhiều nơi trên cả nước. Các lưới điện Mỹ đối mặt cùng lúc với nguy cơ thiếu điện do hạn chế nguồn cung và nhiều thách thức khác. Tình trạng mất điện liên tục, quy mô lớn đã xảy ra thường xuyên hơn trong 20 năm qua, một phần do lưới điện bị hỏng theo năm tháng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Cùng với đó, xu hướng tăng trưởng của xe điện có thể làm phát sinh thêm nhu cầu về điện trong những năm tới, gây thêm áp lực lên hệ thống.

Bộ Điện lực Bangladesh cũng đưa ra cảnh báo những đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn và mùa cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay đang đến gần. Vì vậy, 170 triệu người dân quốc gia này sẽ tiếp tục đối mặt tình trạng mất điện trong những ngày tới. Một phân tích của Reuters đã chỉ ra rằng, thời tiết thất thường và tình trạng khó thanh toán các lô hàng nhập khẩu nhiên liệu trong bối cảnh dự trữ ngoại hối và đồng tiền mất giá khiến quốc gia này đối mặt với cuộc khủng hoảng điện tồi tệ nhất kể từ năm 2013.

(còn nữa)

—————————————————

Bài 2: Thế giới giải “bài toán” tiết kiệm điện – Từ chính phủ đến người dân

MINH ANH (tổng hợp)