Tối 20/10 (giờ địa phương), trước khi rời thủ đô Riyadh (Ả-rập Xê-út) về nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào tại Ả-rập Xê-út, một số nước Vùng Vịnh.

Trước giờ Thủ tướng đến, hội trường nơi diễn ra cuộc gặp đã chật kín bà con kiều bào đủ mọi lứa tuổi. Có những kiều bào đi cả gia đình, lái xe 5 giờ đồng hồ từ Bahrain sang Ả-rập Xê-út để dự.

Đại sứ quán thực sự là ngôi nhà, là chỗ dựa của bà con

Đại sứ Việt Nam tại Ả-rập Xê-út Đặng Xuân Dũng cho biết, đại sứ quán đã duy tốt quan hệ với các bộ, ngành địa phương của Ả-rập Xê-út; năm nay Việt Nam cũng đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch Uỷ ban ASEAN tại Ả-rập Xê-út. Đại sứ quán coi ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, lấy địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

Tháng 9 vừa qua, đại sứ quán đã phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp hơn 60 người, lớn nhất từ trước tới nay, của Ả-rập Xê-út vào Việt Nam….Tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 tăng trên 32%, đạt 2,7 tỷ USD, kỳ vọng sẽ đạt 3,5 tỷ trong năm nay.

bd7bef239703405d1912.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt.

Theo ông Dũng, cộng đồng người Việt tại đây hiện có khoảng 5.000 người chủ yếu là lao động, thời điểm cao nhất lên tới 20.000 người, nhưng cũng là đến công tác, làm việc ngắn hạn, không phải định cư lâu dài.

Đại sứ cho biết, hợp tác lao động được ký mới đây giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út là văn kiện rất được mong chờ, nhằm tận dụng cơ hội cung ứng lao động khi nước này triển khai xây dựng các đại dự án, đặc biệt là lao động tay nghề cao.

Đại sứ Đặng Xuân Dũng kiến nghị các bộ, ngành của Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác về nguồn nhân lực, lao động, nhằm tận dụng thời cơ Ả-rập Xê-út đang triển khai nhiều dự án, cần thu hút nguồn nhân lực lớn.

img5461 1697818050184184595208.jpg

Đại sứ Đặng Xuân Dũng báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác.

Anh Phùng Ngọc Lâm – đại diện các kỹ sư người Việt làm việc tại CEER (công ty sản xuất xe điện đầu tiên tại Ả-rập Xê-út) chia sẻ vinh dự khi những kỹ sư người Việt là một trong số những chuyên gia nước ngoài được đóng góp vào ngành công nghiệp ô tô của nước sở tại.

Anh chia sẻ mong muốn Việt Nam và Ả-rập Xê-út có nhiều hợp tác kinh tế, quảng bá văn hoá và có nhiều sản phẩm, nhà hàng, món ăn của Việt Nam được phổ biến rộng rãi để người Việt tìm được hương vị quê hương “vơi nỗi nhớ nhà”.

Chị Lê Diệu Hoa, công nhân làm việc tại một công ty may thời trang tại thủ đô Riyadh từ năm 2019 cho biết, chị gặp nhiều khó khăn khi mới sang Ả-rập Xê-út do xa quê hương, không quen đồ ăn. Nhưng hiện tại cuộc sống của chị và nhiều người Việt khác đã tương đối ổn định, được đối xử bình đẳng; nơi làm việc đảm bảo an toàn, chế độ tiền lương khá. Với những người làm lâu năm, lương có thể đạt đến khoảng 25 – 32 triệu đồng/tháng; đối với những người mới sang thì khoảng 13 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Gia Toàn làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ dầu khí, có 17 năm làm việc tại Trung Đông và châu Âu nhận định, Ả-rập Xê-út 5 năm tới đây có triển vọng tích cực, đây là cơ hội lớn cho cộng đồng người Việt và đại sứ quán để mở rộng sự hiện diện của Việt Nam. Anh Toàn tâm sự, nơi anh làm việc cách trung tâm thủ đô Riyadh 4 giờ đồng hồ lái xe, hôm nay anh đến dự cuộc gặp mặt cùng với gia đình nhỏ. Anh bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của đại sứ quán trong những năm gần đây.

Người Việt dù ở đâu cũng đều nỗ lực vượt qua thách thức

Sau khi lắng nghe hết các ý kiến, trước 70 kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng với sự hiện diện đông đảo của bà con người Việt tại đây. Thủ tướng chia sẻ sự xúc động khi nhiều bà con dù ở xa, bận công việc nhưng vẫn sắp xếp đến dự cuộc gặp mặt.

e89f7df806d8d18688c9.jpg

Thủ tướng phát biểu với bà con kiều bào.

Thủ tướng đã thông tin khái quát về chuyến công tác của đoàn, dự hội nghị cấp cao ASEAN-GCC. Thủ tướng cho biết: “Đây là sự kiện lịch sử đã được các nước đánh giá, điều này cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế giữa các khu vực. Hội nghị đã thành công tốt đẹp từ nội dung thảo luận đến Tuyên bố chung”.

Thủ tướng cho biết, kết quả và sự đóng góp của Việt Nam tại hội nghị với đề xuất thúc đẩy ba kết nối gồm: Kết nối con người, văn hóa, lao động; kết nối thương mại, đầu tư, du lịch và kết nối hạ tầng, thông qua đầu tư hạ tầng chiến lược.

Thông báo với kiều bào tình hình trong nước, người đứng đầu Chính phủ nhắc đến nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như này nay”.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước, trong đó thiết lập Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước trong Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Nhắc lại thời điểm đầy khó khăn khi đối mặt với chiến tranh, cấm vận, Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam đã “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể” được các nước đánh giá cao.

Về uy tín quốc tế, Thủ tướng cho biết, trong chuyến công tác đến các nước đều nhận được sự tôn trọng, muốn tìm hiểu về Việt Nam. “Tôi đã gặp lãnh đạo 4 nước của GCC: Ả-rập Xê-út, UAE, Oman, Qatar thì đều đánh giá cao Việt Nam, sẵn sàng hợp tác tất cả lĩnh vực”, Thủ tướng dẫn chứng. Từ đây, Thủ tướng cho rằng “càng tự hào bao nhiêu thì càng phải phấn đấu”.

c047c122b8026f5c3613.jpg

Thủ tướng và các em nhỏ đang sinh sống tại Ả-rập Xê-út.

Về nhân lực, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đầu năm đến nay, Việt Nam có 143.000 lao động được đưa đi đào tạo, làm việc, học tập ở nước ngoài. Riêng với Ả-rập Xê-út, Thủ tướng giao Bộ trưởng LĐ-TB&XH thúc đẩy ký hiệp định về hợp tác lao động để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động người Việt.

Về quan hệ Việt Nam-Ả-rập Xê-út, theo Thủ tướng, đây là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực Trung Đông. Quan hệ hai nước có nhiều bước tiến và phát triển ngày càng tốt đẹp. Đây là những nền tảng quan trọng để bà con tự hào, yên tâm làm ăn, sinh sống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vun đắp quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng mong muốn người Việt dù ở bất cứ đâu cũng đều cố gắng, nỗ lực vượt qua thách thức, thích nghi với cuộc sống, công việc nước sở tại và hướng về quê hương. “Dù ở đâu cũng hướng về quê hương, đất nước. Ai làm ăn xa thì cũng sẽ trở về quê hương, đất nước, quan trọng nhất là tình cảm – sợi dây gắn kết gia đình, bạn bè, đất nước”, Thủ tướng tâm sự với bà con.

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho đại sứ quán phải xem bà con như người thân, giải quyết công việc không kể ngày đêm khi họ cần, làm không phải vì trách nhiệm, mà vì tình cảm “lá lành đùm lá rách”.

Sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự hội nghị cấp cao ASEAN-GCC và thăm Ả-rập Xê út.

Vietnamnet.vn