Kỳ họp thứ sáu sẽ thực hiện hoạt động giám sát lại

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan việc chất vấn lại việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành sau chất vấn theo quy định của pháp luật, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ: Tại kỳ họp thứ sáu, thứ mười của mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, cũng như kết quả thực hiện hoạt động giám sát nói chung, trong đó có giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn. 

Khi kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội đều ban hành nghị quyết, trong đó nêu cụ thể, có định lượng các việc cần thực hiện, tạo cơ sở cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội giám sát.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi các phóng viên tại họp báo. Ảnh: Tuấn Huy

Tổng thư ký Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp thứ sáu tới sẽ thực hiện hoạt động giám sát lại, đánh giá tổng quan, nêu những kết quả, tồn tại, hạn chế. 

Đồng thời, tại kỳ họp tới sẽ không chọn chủ đề, chọn người chất vấn mà có báo cáo tổng quan để các cơ quan theo quy định sẽ báo cáo trước Quốc hội các nội dung trong giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giám sát ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu, trên cơ sở đó ban hành nghị quyết về giám sát. Như vậy, không chỉ có giám sát từ đầu nhiệm kỳ đến giờ, mà còn áp dụng với giám sát và chất vấn từ đầu khóa XIV đến nay.

Khẳng định giám sát lại sẽ bảo đảm cho việc thực hiện các cam kết, lời hứa chặt chẽ, sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của cử tri, người dân cả nước, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng thông tin, hiện đã ban hành kế hoạch thực hiện việc này. Đồng thời, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước sẽ có báo cáo. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trên cơ sở nhiệm vụ, chức năng cũng sẽ báo cáo để Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp thành báo cáo chung.

Khắc phục tình trạng cán bộ né trách nhiệm

Cũng tại họp báo, liên quan câu hỏi về thực trạng có một bộ phận cán bộ né trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết, đây là lần đầu tiên văn bản của Quốc hội ghi nhận tình trạng này.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, Nghị quyết Kỳ họp thứ năm của Quốc hội đã nêu rất rõ việc nhận diện trực tiếp, trực diện, không né tránh tình trạng này.

Đề cập đến giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, trong điều hành, cần có “bàn tay sắt”, nêu cao kỷ luật, kỷ cương trong làm việc.

“Ai làm tốt thì thưởng, ai làm chưa tốt phải có hình thức kỷ luật phù hợp để chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc; thưởng phạt công minh sẽ tạo động lực cho cán bộ. Quản trị nhà nước hay quản trị doanh nghiệp thì hiệu quả đều là mục tiêu cao nhất”, đại biểu Trịnh Xuân An nhấn mạnh và đề nghị cần đưa ra định mức công việc để từ đó ai làm tốt, ai làm chưa tốt đều được thấy rõ, đồng thời kịp thời khen thưởng và có hình thức kỷ luật phù hợp.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Tuấn Huy 

Nói thêm về tình trạng né tránh trên, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng khẳng định, Nghị quyết Kỳ họp thứ năm đã đưa ra nhóm giải pháp khá mạnh cho vấn đề này và cũng yêu cầu đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phân cấp, phân quyền… để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của cán bộ, công chức.

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ bảo đảm tường minh

Liên quan đến Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) được thông qua chiều nay (24-6), qua trao đổi với báo chí trước đó, một số ý kiến đại biểu băn khoăn về việc làm sao có thông tin đầy đủ về người được lấy phiếu, từ đó đánh giá sát, đúng, đầy đủ, chính xác với đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, tránh ý kiến cảm tính.

Trả lời về nội dung này tại họp báo, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Điều 10 của Nghị quyết đã nêu rất rõ trình tự, yêu cầu thời gian và nội dung mà người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi tới đại biểu và đại biểu HĐND trước khi diễn ra kỳ họp Quốc hội và HĐND.

“Người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo kết quả thực hiện công việc của mình, kê khai tài sản để đại biểu nghiên cứu trước khi tiến hành lấy phiếu. Việc cung cấp thông tin được yêu cầu rất kỹ, tường minh”, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói. 

Ngoài ra, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh, việc cung cấp thông tin không chỉ có báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm mà còn có cả báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tổng hợp gửi tới Quốc hội và HĐND…

THẢO NGUYÊN