Đại úy Lê Thế Văn (sinh năm 1989) hiện công tác tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an. Vừa qua, anh trở thành một trong 20 đề cử của Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

“Đây là nguồn động lực và sự khích lệ to lớn để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công việc”, anh Văn nói.

Vì yêu thích ngành Công nghệ thông tin, sau khi tốt nghiệp THPT, anh Văn lựa chọn theo học tại ĐH Bách Khoa Hà Nội. Tại đây, anh được tiếp xúc với các kiến thức xoay quanh lĩnh vực mật mã và an toàn thông tin. “Càng học, tôi lại càng yêu thích và mong muốn đào sâu tìm hiểu lĩnh vực này”, anh Văn nhớ lại.

Tốt nghiệp đại học đúng thời điểm Bộ Công an đang tuyển dụng cán bộ ngành An ninh mạng, anh Văn  quyết tâm nộp hồ sơ vào. Vượt qua các vòng thi khắc nghiệt, cựu sinh viên Bách khoa trúng tuyển và trở thành thiếu uý chuyên lĩnh vực An ninh mạng.

Được công tác trong lĩnh vực yêu thích, đúng chuyên môn, anh Văn làm việc say mê. Dẫu vậy, thời gian đầu ở vai trò mới, với anh cũng đầy thách thức. Theo anh, đây vốn là ngành đòi hỏi sự am hiểu rất sâu về công nghệ, kỹ thuật và phải có bản lĩnh để điều tra, đối phó với các mánh khóe ngày càng tinh vi của các đối tượng. Thông qua đó, các cán bộ công an mới đưa ra được hướng xử lý phù hợp.

“Tôi may mắn nhận được sự chỉ bảo tận tình của lãnh đạo và đồng nghiệp, nhờ đó được học hỏi và phát huy khả năng. Khi nhận nhiệm vụ, tôi luôn giữ thái độ nghiêm túc, tập trung hết mình để đạt hiệu quả cao nhất”.

congan 632.jpg
Đại úy Lê Thế Văn (sinh năm 1989) hiện công tác tại Phòng 3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an

Tại đơn vị, anh Văn giữ nhiệm vụ trực tiếp tham gia nắm tình hình hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ; kích động biểu tình, phá rối an ninh trật tự, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Anh nhiều lần trực tiếp tham gia đấu tranh với các đối tượng có hoạt động lợi dụng không gian mạng để xâm phạm lợi ích của các cá nhân, tổ chức.

Đại úy Lê Thế Văn nhận định, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hiện nay vô cùng đa dạng. Chúng có thể ở Việt Nam, nhưng gần đây chuyển hướng hoạt động sang nước ngoài, dùng thủ đoạn như thuê người Việt sang nước ngoài để thực hiện những hành vi lừa đảo người dân trong nước. Điều này khiến cơ quan điều tra rất khó xử lý vì cần sự phối hợp với cơ quan pháp luật nước bạn hoặc tổ chức quốc tế.

“Trong các hình thức lừa đảo, phổ biến nhất là những hình thức đánh vào lòng tham của người dân hoặc tâm lý e sợ phải dính đến pháp luật. Chẳng hạn, chúng giả danh thành các cán bộ công an, kiểm sát viên, những người có chức vụ, thẩm quyền để dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền. Sau khi lấy được tiền, chúng ngay lập tức chuyển số tiền này đến các tài khoản khác hoặc dùng để mua tiền ảo để gây khó khăn trong công tác truy tìm của công an”.

Ngoài ra, có những đối tượng xây dựng tài khoản không có thật, sử dụng thông tin và hình ảnh của người khác để lừa người quen của chính chủ. Cũng có những đối tượng kiếm tiền online, thu hút sự chú ý của người dân bằng cách tung tin giả, tăng tương tác cho các kênh mạng xã hội…

Đại úy Lê Thế Văn đánh giá, dù là mục đích tư lợi nhưng những điều này gây ảnh hưởng rất lớn, khiến người dân hiểu sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Không ít lần xử lý các vụ án liên quan đến an ninh mạng, nhưng mỗi khi chứng kiến cảnh người dân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo, chiếm đoạt số lượng lớn tiền với những chiêu trò lừa đảo khác nhau, anh Văn lại cảm thấy buồn và bức xúc.

“Nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết và lòng tham nên bị lừa một số tiền rất lớn. Đó thậm chí là tiền chữa bệnh, lương hưu hoặc tiền tiết kiệm họ đã tích góp cả đời”.

Anh Văn nhớ lại, cũng có những vụ án nạn nhân là những bé gái chưa thành niên, không đủ kiến thức, kinh nghiệm để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua mạng khiến các em gặp bế tắc về tâm lý, ảnh hưởng đến sức khoẻ.

“Quả thực, mạng xã hội hiện nay phát triển chóng mặt. Điều này tạo ra những ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực cho người dùng. Nếu người trẻ không có sự bản lĩnh, nghiêm túc trang bị kiến thức và có thái độ đúng đắn, sẽ rất dễ bị các đối tượng xấu trên mạng xã hội lôi kéo, hình thành tư duy sai lệch”, Đại úy Lê Thế Văn nói.

Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực an ninh mạng, năm 2023, Đại úy Lê Thế Văn nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Anh cũng là Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân năm 2023 và là Chiến sĩ thi đua cơ sở trong 3 năm liên tiếp.

Trong 2 năm 2022-2023, anh nhận 4 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Mới đây, anh trở thành một trong 20 đề cử của Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023. Đây là giải thưởng do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xét tặng nhằm ghi nhận, tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, có thành tích nổi trội, xuất sắc, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, thể dục, thể thao, lao động, sản xuất, bảo vệ Tổ quốc…

Đề cử Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam: ‘Lúc chán nản hãy nghĩ đến lý do bạn bắt đầu’Chiều nay (1/3), Báo VietNamNet tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với 3 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.