Sự việc hơn 300 giáo viên Hà Nội kiến nghị về Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) với những điều kiện gây khó trong thăng hạng chức danh nghề nghiệp chưa kịp lắng xuống thì ngày 31-7, ông Nguyễn Văn Đường, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A, đã đại diện 2.483 giáo viên các cấp tại Hà Nội gửi tâm thư đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội và giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Sở Nội vụ Hà Nội về vấn đề thăng hạng chức danh nghề nghiệp, mong muốn TP Hà Nội áp dụng xét duyệt thăng hạng cho các giáo viên đủ tiêu chuẩn thay vì tổ chức thi tuyển.

Điều đáng nói, cùng thực hiện thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) cho giáo viên nhưng cách áp dụng của mỗi nơi lại khác nhau. Nhiều tỉnh thành như Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Ninh Bình…, giáo viên từ hạng III được xét lên hạng II mà không phải qua thi tuyển. Ngay trong địa bàn TP Hà Nội, cũng đã có các phòng GD-ĐT xét tuyển cho giáo viên THCS, tiểu học, tại sao giáo viên THPT, giáo dục thường xuyên được đào tạo bài bản, tốt nghiệp cử nhân đại học, ra trường có nhiều cống hiến lại không được xét tuyển? Điều này đặt ra câu hỏi về “sự bất cập, thiếu công bằng giữa các cấp học trong một thành phố và giữa các địa phương với nhau”.

Dù đạt chuẩn trình độ đào tạo và hàng chục năm kinh nghiệm nhưng nhiều giáo viên vẫn lo ngại không được thăng hạng chức danh.

Ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, trong giáo dục, với mong muốn người thầy ngày càng nâng cao chất lượng nên việc nâng ngạch, bậc là cần thiết. Tuy nhiên, giải quyết thế nào cần được cân nhắc, tính toán hợp lý, không nên “san bằng”.

“Chúng ta có câu “thầy giáo già, con hát trẻ”, những giáo viên theo thời gian sẽ có những ưu và nhược điểm riêng, không nên phủ định hay đòi hỏi những điều quá mới như ngoại ngữ, tin học… Bởi vậy, nên có sự xem xét kỹ lưỡng”, ông Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.

Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho hay, đầu năm 2021, “chùm” thông tư của Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT về chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên đã bị dư luận phản ứng gay gắt, hơn một năm sau Bộ GD-ĐT đã sửa lại với nhiều nội dung được bãi bỏ. Tuy nhiên, việc hướng dẫn các địa phương chưa cụ thể rõ ràng, chưa ban hành văn bản mới chính thức nên mỗi nơi hiểu thế nào làm thế đó. Nâng lương giáo viên hằng năm các địa phương vẫn cứ phải làm, dẫn đến nơi thi nơi thì xét. “Việc thăng hạng làm căn cứ xếp lương là đúng nhưng triển khai phải có lộ trình, không thể văn bản vừa ban hành là hiệu lực ngay. Chúng ta phải có thời gian cho giáo viên chuẩn bị chuẩn hóa áp dụng điều kiện, ít nhất phải bằng thời gian nâng từ hạng nọ tới hạng kia”, ông Đặng Tự Ân chia sẻ.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: “Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh việc cải cách hành chính trong mọi lĩnh vực, cải cách cả thủ tục hành chính, các quy định không cần thiết để tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đất nước, kinh tế, xã hội. Do đó, những gì cần thiết thì chúng ta mới làm, những quy định nào chỉ là quy định hình thức, mang tính chất hành chính thì cũng không nên. Những chứng chỉ không cần thiết sẽ khiến phong trào chạy chứng chỉ “nở rộ” mà kết quả lại không thực chất”.

Theo đó, ông Lê Như Tiến đề xuất: “Từ 2 điểm mấu chốt là năng lực của giáo viên đó đáp ứng được việc dạy ở bậc mà mình đang giảng dạy và nhu cầu của cơ sở giáo dục, đào tạo, việc nâng ngạch là tự động, đừng đặt ra quá nhiều những thủ tục trong khi chúng ta lại thiếu rất nhiều giáo viên. Giáo viên khi đủ năng lực để giảng dạy cấp học của mình sẽ được nâng lương và nâng bậc sau một thời gian nhất định mà không cần phải tổ chức quá nhiều kỳ thi tốn kém và phiền hà”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về việc này, TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết, các quy định về tiêu chuẩn CDNN viên chức, thăng hạng CDNN viên chức các ngành/lĩnh vực thực hiện theo quy định chung của Quốc hội tại Luật Viên chức 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, thực hiện theo hướng dẫn chi tiết của Chính phủ tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2023 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Theo đó, việc thăng hạng CDNN từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét (khoản 2 Điều 31 Luật Viên chức 2010 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP). Việc tổ chức thăng hạng CDNN bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng CDNN theo quy định của pháp luật. Bộ GD-ĐT không có thẩm quyền bỏ quy định thi thăng hạng CDNN giáo viên và cũng không có thẩm quyền đề nghị địa phương thực hiện thống nhất theo một hình thức là xét thăng hạng.

Tuy nhiên, TS Vũ Minh Đức cho rằng, đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN là có căn cứ và theo thông tin cung cấp từ Bộ Nội vụ (cơ quan được Chính phủ giao chủ trì tham mưu sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP) thì Bộ này đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng CDNN.

Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng CDNN trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Bài, ảnh: THU HÀ – TRẦN HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.