Theo báo cáo mới đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên, tình trạng thiếu giáo viên ghi nhận nhiều nhất ở bậc mầm non. 

Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người (cấp mầm non 7.887; tiểu học tăng 169; trung học cơ sở 1.207, trung học phổ thông 2.045).

Cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn học trong cùng cấp học, giữa các vùng miền. Tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới như tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc… chậm được khắc phục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng thiếu giáo viên so với nhu cầu là số học sinh tăng cơ học ở tất cả các cấp. Cụ thể, cấp mầm non tăng thêm 132.245 trẻ so với năm học trước (cần thêm 5.500 giáo viên). Cấp tiểu học do tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày tăng thêm 4,6% dẫn đến tăng thêm 10.811 lớp học 2 buổi/ngày và cần bổ sung thêm khoảng 3.000 giáo viên. Cấp trung học phổ thông tăng thêm 669 lớp so với năm học trước và cần thêm 1.500 giáo viên. Ngoài ra, năm học 2022-2023 có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (10.094 nghỉ hưu, 9.295 nghỉ việc).  

Tình trạng thiếu giáo viên được ghi nhận nhiều nhất ở bậc mầm non. Năm học 2022-2023, cấp mầm non thiếu 7.887 giáo viên.

Bộ cũng cho biết, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên vẫn trầm trọng là do công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu giáo viên chưa sát, không theo kịp thực tế. Sự chuyển dịch lao động giữa các vùng miền với số lượng lớn và không có quy luật. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu bậc tiểu học phải tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bổ sung thêm một số môn học bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên ở các địa phương còn bất cập, chưa kịp thời do thiếu nguồn tuyển (theo quy định chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục 2019); chưa có cơ chế thu hút và giữ giáo viên gắn bó với nghề khi lương giáo viên nhìn chung thấp, nhất là giáo viên mới được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương thực hiện cơ học chưa căn cứ vào tính chất đặc thù của ngành giáo dục cũng tác động làm gia tăng thêm tình trạng thiếu giáo viên.

Ngoài tình trạng thiếu giáo viên, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có gần 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập. Trong đó 85% phòng học kiên cố. Tuy nhiên phòng học bộ môn còn thiếu, thiếu nhiều nhất ở bậc tiểu học.

Thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình cả nước chỉ đáp ứng 54,3%. Cụ thể, cấp mầm non đáp ứng 47,9%, tiểu học 56,1%, trung học cơ sở 54,3%, trung học phổ thông 58,9%.

Từ năm học 2022-2023, môn tin học, ngoại ngữ là hai môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, số lượng máy tính trong các phòng học tin học chỉ ở mức cơ bản, cấu hình thấp, hạn chế trong việc cài đặt các phần mềm mới đáp ứng yêu cầu dạy học. Số lượng thiết bị chuyên dùng cho phòng học ngoại ngữ hạn chế, chủ yếu chỉ có thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho giáo viên giảng dạy.

Thời gian qua, nhằm góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục có đủ điều kiện triển khai Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông theo quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, bộ cũng chủ động tổ chức rà soát, khảo sát việc thực hiện chế độ làm việc giáo viên phổ thông, thực trạng chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục mầm non công lập để đề xuất chính sách đặc thù nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên yên tâm công tác. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định sẽ tiếp tục kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tìm mọi cách để tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.

Liên quan đến vấn đề này, trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai năm học mới 2023-2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non; nâng cấp, bổ sung điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm hiệu quả, phù hợp yêu cầu tình hình thực tiễn. 1 trong 6 nhiệm vụ được Thủ tướng gợi mở, yêu cầu thực hiện trong năm học mới phải là có giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo.

Tin, ảnh: LINH AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.