Ngày hội đọc sách. Ảnh: Vi Cầm
Là một trong những điểm sáng tiêu biểu của ngành giáo dục Quảng Ninh, Trường THPT Hòn Gai (phường Hạ Long) nhiều năm qua đã trở thành hình mẫu trong việc xây dựng văn hóa học đường gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhà trường luôn chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, coi mỗi thầy cô là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống và phong cách làm việc.
Các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm gắn với giáo dục truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương như tìm hiểu về vịnh Hạ Long, bãi cọc Bạch Đằng... được tổ chức thường xuyên, nhằm giáo dục học sinh về tình yêu quê hương và ý thức công dân.
Trường THPT Hòn Gai còn tích cực lồng ghép các cuộc vận động lớn như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” vào chương trình giáo dục, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh.
Cô giáo Vũ Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường THPT Hòn Gai, chia sẻ: Nhà trường luôn duy trì tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm, trong đó tỷ lệ học sinh xếp loại tốt nghiệp loại khá, giỏi luôn đứng đầu trong các trường THPT không chuyên của tỉnh. Trường đã nhiều năm liên tiếp được xếp trong top 200 trường THPT có điểm trung bình cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trên cả nước.
Xây dựng văn hóa học đường đang trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục Quảng Ninh. Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, các trường học trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo dựng được môi trường sư phạm tích cực, an toàn, thân thiện, nơi mỗi học sinh được phát triển toàn diện cả về tri thức lẫn nhân cách.
Theo đó, tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong trường phù hợp với mỗi cấp học, bậc học và điều kiện thực tế tại các địa phương; được tuyên truyền, phổ biến, học tập các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, môi trường văn hóa trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường học được thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức ứng xử văn hóa và năng lực tổ chức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học.
Không chỉ vậy, các cơ sở giáo dục quan tâm giảng dạy, tuyên truyền cho học sinh những kiến thức về Luật Trật tự ATGT đường bộ, giúp việc xây dựng văn hoá giao thông cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Khuyên, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Việt Hưng) cho biết: Trường nằm ngay cạnh QL18A nên công tác đảm bảo trật tự ATGT luôn được nhà trường hết sức quan tâm. Để xây dựng văn hóa giao thông học đường, chúng tôi đưa tiết giáo dục Luật Trật tự ATGT đường bộ vào giờ chính khoá. Trong tiết học, giáo viên trình bày cụ thể, chi tiết các quy định an toàn khi tham gia giao thông và minh họa bằng hình ảnh sinh động.
Tại các trường vùng cao, việc khơi dậy niềm đam mê, tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống cũng đang được chú trọng thực hiện. Một số trường đã thành lập CLB dạy hát then và nghệ thuật truyền thống, CLB Hát nhà tơ trong trường học; tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống vào các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Thi sưu tầm và thuyết trình về văn hóa, hiện vật dân gian các dân tộc; thi tiểu phẩm trình diễn trang phục truyền thống, các trò chơi, ẩm thực dân tộc...
Xây dựng văn hóa học đường là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của giáo dục tỉnh nhà. Khi mỗi trường học trở thành môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện và nhân văn, thế hệ trẻ sẽ được trang bị đầy đủ tri thức và phẩm chất để vững bước vào tương lai, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/chu-trong-xay-dung-van-hoa-hoc-duong-3366239.html
Bình luận (0)