Đội Công binh Việt Nam vừa thực hiện thành công hoạt động cứu hộ đoàn xe chở nhiên liệu của Phái bộ UNISFA gồm 27 chiếc bị sa lầy ở phạm vi ngoài cùng của khu vực Abyei. Abyei đang trong mùa mưa lũ nên các tuyến đường trở nên trơn trượt, lầy lội gây khó khăn cho các phương tiện giao thông. Nếu không sớm được giải cứu, đoàn xe chở nhiên liệu sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cướp, ảnh hưởng tới hoạt động của Phái bộ.

Do tình hình nội chiến ở Sudan thời gian gần đây, mọi hoạt động cung ứng và vận tải của Phái bộ UNISFA từ cảng Sudan đến Abyei buộc phải tạm dừng. Các nhà thầu vận tải lo ngại về an ninh, an toàn khi đi xuyên qua các vùng chiến sự, nên đã thông báo dừng hoạt động.

 Đoàn xe cứu hộ của Đội Công binh Việt Nam di chuyển tới hiện trường.

Cơ quan an ninh Liên hợp quốc đã thông báo khẩn cấp cho Tư lệnh Phái bộ UNISFA về đoàn xe bị mắc kẹt cùng kế hoạch giải cứu, đồng thời đề nghị đơn vị Công binh Việt Nam cho ý kiến, vì Đội Công binh số 1 Việt Nam là tuyến cuối cùng của hoạt động cứu hộ.  

Các phương án giải cứu nhanh chóng được đưa ra sau cuộc họp khẩn của Ban chỉ huy Đội Công binh Việt Nam với chỉ huy các phân đội. Đoàn trinh sát do Thiếu tá Nguyễn Văn Tú, Phó Đội trưởng dẫn đầu đã lên đường ngay vào hôm sau để tới hiện trường đoàn xe bị mắc kẹt, đánh giá sơ bộ tình hình, báo cáo về để đoàn cứu hộ xuất phát. Từ trước đó, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, nhất là công tác bảo đảm thông tin liên lạc, vũ khí, kỹ thuật, hậu cần.

 

 

 San ủi tạo làn đường cho các xe bị sa lầy tự di chuyển.

Khi đoàn trinh sát tới vị trí trạm kiểm soát của Quân đội Nam Sudan thì gặp trở ngại vì lực lượng này chưa nhận được thông tin về đoàn cứu kéo của Đội Công binh Việt Nam nên không cho qua. Mặc dù về địa lý thì khu vực này thuộc Khu hành chính đặc biệt Abyei, dưới sự quản lý của Liên hợp quốc, nhưng trên thực tế Quân đội Nam Sudan vẫn kiểm soát. Họ đặt một trạm gác cửa khẩu ở Km27 và không cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Phái bộ UNISFA đi qua, trừ khi có thông báo trước và được chấp thuận.

Phải mất  hơn một tiếng đàm phán, Quân đội Nam Sudan mới đồng ý, nhưng chỉ cho một đoàn đi qua, nghĩa là nếu đoàn trinh sát đi thì thôi đoàn cứu hộ. Trước tình hình đó, đơn vị đã nhanh chóng triển khai ngay đoàn cứu hộ, do đồng chí Đại tá Mạc Đức Trọng, Đội trưởng trực tiếp chỉ huy khẩn trương cơ động tới hiện trường.

 Xe bồn bị nghiêng lún và mắc kẹt.

Khi đoàn tới nơi, một quang cảnh hỗn độn hiện ra trước mắt. Khu vực tắc nghẽn kéo dài tới 2km. Hàng chục xe các loại, chủ yếu là xe chở hàng hóa đang bị sa lầy, xe này chặn đường xe khác, ngập trong bùn và đất mềm, thành một mớ hỗn độn.

Thấy đoàn cứu hộ Công binh Việt Nam đến, các lái xe và người dân rất ngạc nhiên, vì không biết đoàn đến làm gì, vì đây là lần đầu tiên có hoạt động cứu hộ của Phái bộ UNISFA ở khu vực này. Sau khi bộ đội Việt Nam triển khai máy móc xuống hiện trường, họ mới hiểu ra và vui mừng sau những ngày tưởng chừng như vô vọng nghĩ rằng sẽ phải mắc kẹt ở đây rất lâu nữa.

Ngay tại hiện trường, chạy đua với thời gian, ban chỉ huy đã họp nhanh để thống nhất phương án cứu hộ, bảo vệ an ninh, phân công nhiệm vụ sao cho khoa học nhất có thể. Vì nếu không, khi trời tối, việc triển khai nhiệm vụ sẽ rất khó khăn hơn do khu vực chật chội, mặt đường đất lầy lội, trơn trượt, nếu điều hành không tốt sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn.

Hoạt động cứu kéo được tiến hành khẩn trương chạy đua với thời gian. 

Tới 16 giờ 30 phút chiều, khoảng hơn 40 xe đã được cứu hộ. Đội Công binh quyết định thu quân để tránh trời tối hoặc cơn mưa ập đến thì cả xe đi cứu hộ cũng có thể mắc kẹt, do các xe đầu kéo không được thiết kế để đi trên cung đường xấu.

Như vậy, trong ngày giải cứu đầu tiên mới chỉ giải thoát được một xe nhiên liệu của Liên hợp quốc trên tổng số 27 xe cần đưa về Abyei. Các lái xe cho biết, về phía Nam 2km còn một chỗ mắc kẹt nữa và có nhiều xe bồn chở nhiên liệu ở đó. Nhưng để bảo đảm an toàn, Chỉ huy Đội Công binh quyết định ngừng ngày giải cứu đầu tiên và tiếp tục công việc vào hôm sau.

 

 

Bữa ăn dã chiến của Bộ đội Công binh Việt Nam tại hiện trường làm nhiệm vụ. 

Sang ngày thứ 2 thực hiện nhiệm vụ, phương thức giải cứu được thay đổi cùng với một số thiết bị, phương tiện được bổ sung như 2 máy húc, 1 máy gạt… Phương pháp mới là tạo một làn đường cho các xe tự di chuyển, chỉ xe nào hỏng, sa lầy mới phải kéo. Bộ đội ta lúc đó chỉ điều tiết giao thông tránh xảy ra va chạm giữa các xe, vì vậy thời gian giải cứu được rút ngắn. Với phương pháp mới, khi bộ đội ăn xong bữa trưa dã chiến cũng là lúc toàn bộ các xe được giải thoát khỏi khu vực sa lầy. Đặc biệt, toàn bộ xe bồn chở nhiên liệu của Liên hợp quốc sau khi được cứu kéo đã di chuyển an toàn về tới phái bộ.

Bữa trưa dã chiến của bộ đội Công binh ngay tại hiện trường cũng rất sáng tạo sau nhiều lần rút kinh nghiệm. Nếu ăn tập trung toàn đoàn trong hoàn cảnh này sẽ không hợp lý vì tình trạng xe một nơi, người một nơi, cơm để một nơi, sẽ rất bất tiện. Trong lần thực hiện nhiệm vụ này, hậu cần đã phát cơm tới từng người. Các đồng chí sẽ tự mang và tranh thủ lúc nào rảnh thì chủ động ăn luôn tại vị trí thực hiện nhiệm vụ, kể cả trên ca bin, thùng xe, hay bãi đất dưới tán cây gai…

Trong nhiệm vụ lần này, Đội Công binh Việt Nam đã giải cứu tổng cộng 36 xe bồn và hơn 100 xe hàng hóa của người dân địa phương. Toàn bộ đội hình tham gia cứu hộ đã trở về doanh trại an toàn tuyệt đối về người và trang bị. Với tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo trong công việc, bộ đội Công binh Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong một thời gian kỷ lục. Sự ghi nhận, đánh giá cao của chỉ huy và đồng nghiệp ở phái bộ, sự biết ơn của người dân địa phương đã tiếp thêm động lực to lớn cho những người lính Công binh Việt Nam tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn phía trước.   

 Trong nhiệm vụ lần này, Đội Công binh Việt Nam đã giải cứu tổng cộng 36 xe bồn và hơn 100 xe hàng hóa của người dân địa phương. 

Trung tá NGUYỄN QUANG TUYỂN, Chính trị viên Đội Công binh Việt Nam (từ Abyei)