Tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, về cơ bản, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện bám sát tiến độ. Đến nay, 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) đã thu hồi 1.194,71/1.382,38ha (đạt 86,42%), di chuyển 7.000/16.929 ngôi mộ (41,35%). Tuy nhiên, hiện nay các địa phương mới hoàn thành việc giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Đối với phạm vi đất ở, đất tín ngưỡng, đất hộ gia đình, tổ chức… thì vẫn chưa hoàn thành để bàn giao; công tác xây dựng các khu tái định cư vẫn còn chậm. Trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố, vẫn còn 9.929 ngôi mộ chưa được di chuyển. 

Bảo đảm đầy đủ nguồn lực con người, máy móc cho việc thực hiện dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô. (Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô, ngày 25-6-2023) Ảnh: MAI DUNG 

Đến nay, TP Hà Nội đã giải ngân trên kế hoạch vốn được giao là 5.148,604/6.754,84 tỷ đồng, đạt 76,22%; tỉnh Hưng Yên đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho nhân dân là 742,98 tỷ đồng, đạt 40%; tỉnh Bắc Ninh đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 988,19/1.370 tỷ đồng, đạt 72,13%. Về tiến độ, các địa phương sẽ tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với những phần diện tích còn lại, phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 31-12-2023. Hà Nội cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu tái định cư, phấn đấu hoàn thành trong tháng 11-2023.

Một khó khăn nữa trong quá trình thực hiện dự án là giá vật liệu xây dựng thực tế cao hơn giá được phê duyệt, gây khó khăn cho các nhà thầu. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông kiến nghị các cấp có thẩm quyền ban hành giá tiệm cận với thị trường; đồng thời, có cơ chế đặc thù về chỉ định khai thác các điểm mỏ đề xuất và nghiêm túc thực hiện việc khai thác, sử dụng các mỏ vật liệu chỉ phục vụ cho dự án đường vành đai 4.

Thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế Thủ đô

Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4-vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, đi qua 3 địa phương, quy mô chia làm 3 tiểu dự án thành phần, nhưng cũng là những dự án lớn nhất của các địa phương. Thời gian tới, đồng chí Đinh Tiến Dũng đề nghị các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế, cơ sở dự toán nhằm xây dựng dự án thành phần 2.2, 2.3 để lựa chọn nhà thầu, khởi công vào cuối tháng 9-2023.  

Đối với công tác đầu tư xây dựng các khu tái định cư, Hà Nội hiện có 14 khu tái định cư được đầu tư xây dựng để phục vụ thu hồi đất thực hiện dự án. Hiện có 2 khu (1 khu tại huyện Sóc Sơn và 1 khu tại huyện Thường Tín) đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 12 khu đang triển khai các thủ tục liên quan. Đối với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân trong diện thu hồi đất, trong quá trình triển khai, TP Hà Nội đã rà soát kỹ lưỡng nguồn gốc đất đai, kiểm đếm tài sản trên đất, đặc biệt là với các thửa đất còn chưa chặt chẽ về hồ sơ, thủ tục, pháp lý, pháp nhân; các thửa đất có nhiều hộ gia đình sinh sống; các khu mộ tổ, mộ vô chủ, mộ chưa cải táng… 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng lưu ý công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân cần phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho bà con với tinh thần nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mộ vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng bảo đảm 100% vào cuối tháng 12-2023 theo Nghị quyết của Chính phủ. 

Đồng chí Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị rà soát lại các mỏ vật liệu và cần phải xác định rõ về nhận thức là vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường vành đai 4. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục để tránh thất thoát, lãng phí, không để xảy ra tiêu cực. “Đề nghị các địa phương tập trung cao độ để hoàn thành dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô; phối hợp tốt hơn nữa, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Hà Nội hiện đã quy hoạch 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến đường vành đai chính và 2 tuyến đường vành đai hỗ trợ. Do đó, theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng tốc triển khai dự án đường vành đai 4-vùng Thủ đô để sớm đưa vào vận hành sẽ tạo ra sự phát triển bền vững trong hệ thống hạ tầng giao thông của Thủ đô. Từ đó tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững của kinh tế-xã hội Thủ đô cũng như tăng cường kết nối, lan tỏa giữa các địa phương lân cận.

HỒNG ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.