Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục tăng giá điện trong năm 2024

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giá đầu tuần này, Bộ Công Thương kiến nghị điều chỉnh giá điện trong năm nay, để phản ánh biến động các chi phí đầu vào và giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có nguồn lực thanh toán cho chủ đầu tư các nhà máy điện.

Đề xuất tăng giá điện được Bộ Công Thương đưa ra trong bối cảnh tình hình tài chính của EVN vẫn rất khó khăn, lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng trong năm ngoái dù được điều chỉnh giá bán hai lần. (Xem thêm)

Bộ Công Thương bác đề xuất thành lập hiệp hội bán lẻ xăng dầu

Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời đề nghị công nhận ban vận động thành lập hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam của ông Giang Chấn Tây (địa chỉ tại tỉnh Trà Vinh).

Thay mặt ban sáng lập, ông Tây có đơn đề nghị Bộ Công Thương công nhận ban vận động thành lập hiệp hội doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự đồng thuận của Bộ Công Thương, với lý do trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động với đơn vị khác. 

Đề nghị lập sàn, hút 400 tấn vàng trong két nhà dân

Chia sẻ tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia đề nghị thay đổi cách thức quản lý hoạt động kinh doanh vàng bằng việc thành lập sàn giao dịch vàng, xóa bỏ thế độc quyền để huy động khoảng 400 tấn đang nằm trong két nhà dân

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng, không nhất thiết độc quyền nhà nước về thương hiệu vàng. Khi nguồn cung vàng được tự do và cạnh tranh bình đẳng, sẽ không còn tình trạng khan hiếm. (Xem thêm)

Lập đề án thí điểm để gỡ khó cho các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi

Sáng 25/1, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi trong Quy hoạch Điện VIII, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch để tổ chức đầu tư các dự án nguồn điện, truyền tải, phụ tải, dưới sự chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống điện của cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hoà carbon vào năm 2050. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu lập đề án thí điểm để gỡ khó cho các dự án này. (Xem thêm)

dien gio 1 351.jpg
Việc phát triển dự án điện khí và điện gió ngoài khơi còn gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Hoàng Hà)

Doanh nghiệp xăng dầu sắp phải báo cáo nhiều nội dung “nóng”

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu yêu cầu kiểm tra, rà soát hiện trạng và điều kiện cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, thương nhân đầu mối sẽ phải báo cáo chi tiết về điều kiện có cầu cảng chuyên dụng (sở hữu, thuê, khả năng tiếp nhận tàu chở xăng dầu); kho tiếp nhận xăng đầu (số lượng; sở hữu; thuê của doanh nghiệp nào, ở đâu; thời gian thuê); phương tiện vận tải xăng dầu (số lượng, sở hữu, thuê, chủng loại phương tiện, thời gian thuê)… (Xem thêm)

Kiều hối cả nước đạt 16 tỷ USD

Ngày 25/1, một lãnh đạo Vụ Quản lý Ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trên Tiền Phong, năm 2023 lượng kiều hối đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022.

Lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã giải ngân trong cùng kỳ. Theo số liệu từ NHNN, kiều hối về Việt Nam mỗi năm trên 10 tỷ USD.

Phó Thủ tướng yêu cầu điều hành giá phù hợp khi bắt đầu tăng lương từ 1/7

Phát biểu kết luận cuộc họp về kết quả công tác quản lý điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện tăng lương, bên cạnh đó chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng tăng lên, nhiều yếu tố khó lường như biến động giá cả của một số mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, thực phẩm, thiên tai, biến đổi khí hậu)…

Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần dự báo sát tình hình thực tế, hết sức cẩn thận, không được chủ quan để sẵn sàng các phương án quản lý, điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả

Dân ‘thắt chặt hầu bao’, siêu thị lớn cũng than ế nặng

Các doanh nghiệp, siêu thị, tiểu thương đã chuẩn bị lượng hàng lớn để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Song, “ế ẩm”, “èo uột khách” là những từ được giới kinh doanh nhắc đến nhiều nhất khi người dân giảm mua sắm Tết.

Hiện bước vào cao điểm mua sắm Tết nhưng lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn chia sẻ, sức mua chỉ nhỉnh hơn ngày thường và còn kém xa so với kỳ vọng tăng 20-30% mà doanh nghiệp tính toán trước đó. Ngay cả những mặt hàng cơ bản cho Tết như bánh kẹo, bia rượu, thực phẩm… lượng tiêu thụ những ngày này cũng chỉ tăng 5-10% so với ngày thường. (Xem thêm)

Kiểm tra đột xuất, xử nghiêm nếu để ATM thiếu tiền dịp Tết

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa ký ban hành công điện yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Thống đốc yêu cầu giám đốc ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố xử lý nghiêm trường hợp phòng giao dịch, chi nhánh để ATM thiếu tiền, không hoạt động do lỗi chủ quan của ngân hàng trong dịp Tết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT thông báo loạt tin vui tới hàng triệu nông dân

Trao đổi với báo chí về kết quả chuyến công tác tại Trung Quốc mới đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, trong các cuộc gặp gỡ, hai bên đã bàn bạc và thống nhất được nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Ông Nam cho hay, hai bên đã thống nhất hoàn chỉnh bổ sung một số nội dung để ký 3 nghị định: xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên; xuất khẩu cá sấu nuôi; xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đối với sản phẩm rau củ quả, phía nước bạn đồng ý mở cửa thêm các loại trái cây chủ lực của Việt Nam… (Xem thêm)

Trung Quốc xem xét tạo cơ chế đặc biệt cho tôm hùm, bỏ lệnh cấm với gia cầm Việt

Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường vừa có báo cáo về kết quả đoàn công tác của Thứ trưởng Trần Thanh Nam tại Trung Quốc gửi Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Theo đó, trong khi chờ đợi ký nghị định thư, phía Trung Quốc sẽ xem xét, tạo cơ chế đặc biệt để các cơ sở đăng ký xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường này; đồng thời, xem xét bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam. (Xem thêm)