Đòn bẩy mới cho tăng trưởng xanh
Tham vọng chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam ngày càng rõ nét trong các chính sách quốc gia. Theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 39% tổng sản lượng điện; đồng thời trongQuyết định 876/QĐ-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ đãhướng tới việc 100% phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hoặc năng lượng xanh vào năm 2050. Những mục tiêu này tạo đà tăng trưởng cho một ngành then chốt: sản xuất và xuất khẩu pin lithium.
Theo báo cáo của IMARC Group, thị trường pin lithium-ion tại Việt Nam được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 10,1% trong giai đoạn 2025 - 2033, nhờ nhu cầu bùng nổ từ xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng. Đáp ứng xu thế đó, nhiều dự án sản xuất pin quy mô lớn đang được triển khai khắp cả nước.
Tiêu biểu là nhà máy pin của VinES, công ty con của Vingroup, đang xây dựng tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh), công suất giai đoạn 1 là 5 GWh/năm, tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Tại Bắc Giang, tập đoàn Sunwoda (Trung Quốc) cũng đầu tư nhà máy pin lithium trị giá hơn 275 triệu USD. Trong khi đó, Samsung SDI đã vận hành tổ hợp sản xuất pin tại Thái Nguyêncung ứng toàn cầu cho ngành điện tử và xe điện.
Cùng với đà đầu tư FDI, Việt Nam đang hình thành các cụm công nghiệp pin ở khu vực phía Bắc như Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thái Nguyên và Hải Phòng. Mô hình này được kỳ vọng tái hiện thành công của Sơn Đông (Trung Quốc), nơi chuỗi cung ứng pin lithium tích hợp từ khai khoáng, sản xuất đến lắp ráp cuối cùng với tổng đầu tư hơn 14 tỷ USD.
Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp sạch và logistics khi nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, mở rộng khu công nghiệp và nâng cấp hạ tầng. Từ đó, Việt Nam đang từng bước xây dựng nền tảng để trở thành điểm đến sản xuất chiến lược trong chuỗi giá trị pin toàn cầu.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu dẫn đầu, ngành pin lithium Việt Nam không chỉ cần vốn, công nghệ và nhân lực mà còn cần một yếu tố tối quan trọng khác: Hệ thống logistics chuyên biệt, đủ năng lực xử lý mặt hàng nhạy cảm và nguy hiểm như pin lithium.
Nâng cấp logistics để đón sóng xuất khẩu
Bà Ee-Hui Tan, Giám đốc Khai thác của FedEx Việt Nam và Campuchia cho biết, pin lithium được xếp vào nhóm hàng nguy hiểm (Dangerous Goods - DG) do đặc tính dễ cháy nổ nếu không được xử lý đúng cách. Vì vậy, việc vận chuyển loại hàng này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định quốc tế như IATA (Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế) và ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế). Từ đóng gói đạt chuẩn Liên Hợp Quốc (UN), dán nhãn nhận dạng đến chứng từ vận tải, mọi quy trình đều yêu cầu tính chính xác và an toàn tuyệt đối.
Tại Việt Nam, hệ sinh thái logistics đang từng bước thích nghi với các chuẩn mực mới. Những đơn vị quốc tế như FedEx, DHL Express hay cáccông ty giao nhận, nhà vận chuyển quốc tế chuyên biệt như Dimerco hiện đã cung cấp các giải pháp logistics trọn gói cho hàng pin lithium.
Chẳng hạn, FedEx vận chuyển hàng triệu kiện hàng pin mỗi năm, cung cấp giải pháp đóng gói đạt chứng nhận UN, công cụ theo dõi thời gian thực và dịch vụ vận chuyển DG chuyên biệt. Trong khi đó, DHL Express chỉ nhận vận chuyển pin lithium đối với khách hàng đã được phê duyệt đủ điều kiện DG, đảm bảo an toàn theo quy chuẩn IATA.
Ngoài ra, tại Việt Nam, các đơn vị logistics nội địa như IPO Logistics, HDG Logistics, Ai Logistics cũng tham gia cung cấp dịch vụ vận chuyển và khai báo hải quan cho pin lithium. Các công ty này hỗ trợ phân loại HS Code, chuẩn bị giấy chứng nhận UN38.3, thực hiện thủ tục thông quan và vận chuyển nội địa an toàn.
Trong bối cảnh ASEAN đang là điểm nóng của làn sóng đầu tư chuỗi cung ứng pin, logistics sẽ là yếu tố quyết định khả năng “bắt kịp và vượt lên”. Để cạnh tranh, theo bà Ee-Hui Tan, Việt Nam cần đẩy nhanh phát triển logistics chuyên ngành, từ đào tạo nhân lực xử lý DG, ứng dụng công nghệ theo dõi vận đơn đến đơn giản hóa thủ tục hải quan. Quan trọng hơn, việc nội địa hóa một phần khâu logistics sẽ giúp giảm chi phí, tăng tốc độ giao hàng và tăng tính chủ động trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việt Nam đang có trong tay các điều kiện “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để vươn lên trở thành trung tâm sản xuất pin lithium của Đông Nam Á. Tuy nhiên, để chuyển từ tiềm năng thành hiện thực, các chuyên gia kinh tế cho rằng, logistics cần được nhìn nhận như một trụ cột chiến lược ngang hàng với công nghệ, vốn đầu tư hay chính sách. Khi hệ sinh thái logistics đủ mạnh, Việt Nam không chỉ xuất khẩu pin mà còn xuất khẩu niềm tin trong một chuỗi giá trị toàn cầu đang đặt cược vào năng lượng sạch.
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/logistics-manh-ghep-chien-luoc-trong-chuoi-pin-lithium-viet-nam/20250722081649074
Comment (0)