Đây là một sáng kiến khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo, đặc biệt là đối tượng học viên đào tạo Chỉ huy tham mưu thông tin chuyên ngành Hải quân.

Cái khó ló sáng kiến

Trong điều kiện còn thiếu trang, thiết bị thật để huấn luyện thì việc sử dụng các mô hình trực quan, phần mềm mô phỏng vào huấn luyện, đào tạo giúp học viên tiếp cận và nắm chắc kiến thức thực tiễn là hướng đi đúng đắn và hiệu quả. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, Trường Sĩ quan Thông tin đang tích cực đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào quá trình đổi mới phương pháp dạy học, đáp ứng chuẩn đầu ra. Do đó, việc nghiên cứu và ứng dụng phần mềm huấn luyện khai thác trạm VSAT trên tàu biển quân sự sẽ góp phần giải quyết tình trạng khó khăn do thiếu trang thiết bị huấn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Nhà trường, đáp ứng phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Văn Phương, Chủ nhiệm Bộ môn Truyền dẫn, Khoa Viễn thông giới thiệu phần mềm huấn luyện khai thác trạm VSAT trên tàu biển quân sự cho học viên. 

Trao đổi với Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Văn Phương, Chủ nhiệm sáng kiến, chúng tôi được biết Trạm VSAT tàu biển là thiết bị được triển khai và khai thác để bảo đảm thông tin liên lạc cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển và một số đơn vị làm nhiệm vụ trên biển. Việc huấn luyện cho bộ đội nắm chắc đặc điểm, tính năng kỹ thuật và khai thác thành thạo trạm VSAT trên tàu biển quân sự nhằm bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi tình huống là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là một nội dung của môn học “Thiết bị truyền dẫn, vi ba, vệ tinh” trong chương trình đào tạo Sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin. Đặc biệt là đào tạo Sĩ quan chỉ huy tham mưu thông tin cấp phân đội chuyên ngành Thông tin Hải quân.

Thực tế hiện nay, số lượng các trạm VSAT tàu biển biên chế phục vụ huấn luyện của Trường Sĩ quan Thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu huấn luyện, trong khi lưu lượng học viên đông, thời gian được huấn luyện trên thiết bị thật chưa nhiều. Xuất phát từ lý do trên, nhóm tác giả lựa chọn thực hiện sáng kiến “Phần mềm mô phỏng huấn luyện khai thác trạm VSAT trên tàu biển quân sự” phục vụ cho huấn luyện là giải pháp tối ưu, góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng nhà trường thông minh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 Hình ảnh giao diện phần mềm huấn luyện khai thác trạm VSAT trên tàu biển quân sự.

Cơ sở khoa học của sáng kiến “Phần mềm mô phỏng huấn luyện khai thác trạm VSAT trên tàu biển quân sự” chính là: Nghiên cứu đặc điểm, tính năng kỹ thuật; cấu tạo và chức năng của trạm VSAT trên tàu biển quân sự; quy trình triển khai, lắp đặt, khai thác trạm VSAT tàu biển bảo đảm thông tin liên lạc và các dịch vụ khác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như sử dụng công cụ xử lý dữ liệu, hình ảnh và ngôn ngữ lập trình Visual Studio C# để thực hiện ý tưởng.

Tính ứng dụng cao và áp dụng rộng rãi

Theo tác giả cho biết, với kết cấu gồm 6 modul. Module 1: Đặc điểm, tính năng kỹ thuật; module 2: Cấu trúc và nguyên lý hoạt động; module 3: Khai thác sử dụng; module 4: Bảo quản và xử lý một số sự cố của trạm; module 5: Kiểm tra đánh giá; module 6: Tài liệu tham khảo, sẽ rất thuận tiện cho người học tự nghiên cứu, học tập nội dung chỉ với một thao tác click chuột vào tab chức năng tương ứng trong giao diện phần mềm…

Phần mềm có thể được cài đặt cho các máy tính tại giảng đường chuyên dùng và đơn vị để phục vụ huấn luyện thực hành, cũng như tự học của học viên. Đây cũng chính là hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học và hỗ trợ quá trình đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện thực hành thiết bị viễn thông, đáp ứng chuẩn đầu ra học phần, môn học và thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đào đạo, xây dựng nhà trường thông minh hiện nay.

Đại tá, Tiến sĩ Đỗ Văn Phương hướng dẫn học viên khai thác phần mềm huấn luyện khai thác trạm VSAT trên tàu biển quân sự. 

Đặc biệt, trong giao diện chính đã thể hiện hình ảnh 3D của trạm VSAT trên tàu biển quân sự, cho phép người sử dụng có thể quan sát một cách tổng thể trạm VSAT khi được lắp đặt trên tàu biển, điều này làm tăng tính trực quan, giúp người học quan sát, học tập các bước triển khai, lắp đặt các thành phần của trạm thông qua hình ảnh và video công nghệ 3D cũng như thực hành cài đặt các tham số cấu hình cho các thành phần của trạm như trên thiết bị thật, từ đó giúp người học không còn bỡ ngỡ khi tiếp cận thiết bị trạm VSAT tàu biển trong thực tế. Qua đó rèn luyện khả năng tư duy, phản xạ, kỹ năng thực hành khai thác thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo…

Đại tá, Tiến sĩ Trần Đình Tấn, Chủ nhiệm Khoa Viễn thông, Trường Sĩ quan Thông tin cho biết: “Sáng kiến đã hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đề ra; sản phẩm có tính khoa học, bảo đảm yêu cầu chuyên môn và tính sư phạm cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đào tạo của các đối tượng học viên, đặc biệt là đối tượng học viên đào tạo Sĩ quan chỉ huy Tham mưu Thông tin chuyên ngành Thông tin Hải quân; sáng kiến đã bám sát chuẩn đầu ra học phần và yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện tại khoa và Nhà trường. Sản phẩm có thể cài đặt và sử dụng đơn giản, thuận tiện cho phục vụ huấn luyện tại Trường Sĩ quan Thông tin và các đơn vị thông tin trong toàn quân”.

Bài, ảnh: MAI ĐÔNG- TUẤN ANH