Theo thông tin được đăng trên website của Nhà Trắng, tuyên bố nhấn mạnh quan hệ Mỹ-Ấn đã ở một tầm cao mới về niềm tin và sự hiểu biết lẫn nhau, đồng thời khẳng định hai bên sẽ xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn Độ đa dạng, mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy nguyện vọng của nhân dân hai nước về một tương lai tươi sáng, thịnh vượng trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc chung về dân chủ, tự do, pháp quyền.

Ông Narendra Modi và ông Joe Biden trong cuộc gặp ở Nhà Trắng ngày 22-6. Ảnh: Getty Images 

Đáng chú ý, tuyên bố nêu rõ, hợp tác giữa Washington và New Delhi sẽ phục vụ lợi ích toàn cầu khi phối hợp thông qua một loạt nhóm đa phương và khu vực, trong đó có nhóm Bộ tứ (QUAD), nhằm góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và mạnh mẽ.

Sau cuộc hội đàm với ông Modi tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát biểu ca ngợi kỷ nguyên mới trong quan hệ Mỹ-Ấn, nhất là trong lĩnh vực thương mại và quốc phòng. Ông cho rằng mối quan hệ đối tác giữa hai nước đang trở nên mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn và năng động hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, đồng thời nhấn mạnh rằng hợp tác kinh tế song phương đang bùng nổ với kim ngạch thương mại tăng hơn gấp đôi trong thập kỷ qua. “Những thách thức và cơ hội mà thế giới đối diện trong thế kỷ này đòi hỏi Ấn Độ và Mỹ phải hợp tác và cùng nhau dẫn dắt”, hãng tin AFP dẫn phát biểu của ông Biden tại buổi họp báo chung sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng.

Đáp lại, Thủ tướng Modi nhắc tới “chương mới” trong quan hệ giữa New Delhi và Washington, đồng thời cho rằng chuyến thăm Mỹ lần này của ông đã mang lại phương hướng và năng lượng mới cho mối quan hệ ấy. Thủ tướng Ấn Độ cũng đưa ra một thông tin đáng quan tâm, tuyên bố sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Cũng theo AFP, điểm nhấn trong chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Ấn Độ là hai nước đã đạt được những thỏa thuận lớn, điển hình là việc Mỹ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ chế tạo động cơ phản lực trong bối cảnh Ấn Độ bắt đầu tự sản xuất máy bay chiến đấu. Thủ tướng Ấn Độ đánh giá đây là bước đi mang tính bước ngoặt trong quan hệ giữa hai nước.

Ngoài ra, trong lĩnh vực không gian vũ trụ, Ấn Độ đã nhất trí tham gia chương trình Artemis do Mỹ dẫn đầu với mục tiêu đưa con người trở lại mặt trăng vào năm 2025. Dự kiến, chương trình không gian của Ấn Độ sẽ phối hợp với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) trong một sứ mệnh chung tại Trạm không gian quốc tế ngay trong năm tới.

Một thỏa thuận khác được ký nhân chuyến thăm đó là hãng sản xuất bán dẫn khổng lồ Micron Technology của Mỹ sẽ đầu tư xây dựng nhà máy thử nghiệm và lắp ráp bán dẫn tại Ấn Độ với tổng mức đầu tư có thể lên tới 2,75 tỷ USD. Theo Reuters, hãng chế tạo công cụ bán dẫn Applied Materials của Mỹ cũng nhất trí đầu tư vào một trung tâm kỹ thuật mới tại Ấn Độ trong vòng 4 năm.

Reuters cũng cho biết, trong lĩnh vực thương mại, Mỹ và Ấn Độ đã nhất trí chấm dứt 6 vụ mâu thuẫn tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và New Delhi đồng ý dỡ bỏ thuế suất đối với một số sản phẩm của Washington.

ANH VŨ