Đây là lời khẳng định của Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí chiều 15-6, bên lề Hội nghị Mạng lưới các trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN lần thứ 8.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí đánh giá khái quát về kết quả tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam trong 9 năm qua?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Từ tháng 6-2014 đến nay, Việt Nam đã cử 533 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ theo hai hình thức cá nhân và đơn vị tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc. Các lực lượng của Việt Nam đã, đang hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Những thành quả đáng khích lệ trong hơn 9 năm qua đã góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đồng thời lan tỏa hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn sàng đóng góp cho sứ mệnh GGHB, an ninh và phát triển của LHQ. Được sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192 trên tổng số 193 phiếu.

Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí chiều 15-6. Ảnh: NGỌC THƯ

Các Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 của Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn. Phó tổng thư ký LHQ và Cố vấn Quân sự của Tổng thư ký LHQ đã gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp này.

Ngoài việc triển khai các BVDC, các sĩ quan liên lạc tại các phái bộ, tháng 5-2022, Việt Nam đã cử Đội công binh đầu tiên với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ An ninh lâm thời của LHQ ở khu vực Abyei (UNISFA). Sau gần 1 năm triển khai, Chỉ huy Phái bộ đánh giá Đội công binh Việt Nam đã góp phần làm thay đổi diện mạo của Phái bộ UNISFA tại Abyei.

Bên cạnh đó, các sĩ quan cá nhân sau khi kết thúc nhiệm kỳ đều được LHQ đánh giá là hoàn thành tốt, thậm chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lực lượng Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ đã được nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

PV: Việc tiếp tục cử BVDC và Đội Công binh tham gia hoạt động GGHB cho thấy quan điểm, chủ trương và cam kết của Việt Nam ra sao trong lĩnh vực này, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Việc tiếp tục cử 2 đội hình đơn vị (thậm chí là thêm các lực lượng khác trong tương lai) tham gia hoạt động GGHB LHQ có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng theo chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ một cách trực tiếp và quy mô bằng các đội hình đơn vị khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cán bộ, nhân viên BVDC 2.3 lên máy bay C-17 sang Nam Sudan. Ảnh: HÙNG KHOA

PV: Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã chủ trì hai hội nghị về những vấn đề liên quan tới lĩnh vực GGHB, xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của hai sự kiện này?

Đại tá Phạm Mạnh Thắng: Hội nghị tổng kết thi hành Nghị định số 162/2016/NĐ-CP ngày 14-12-2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với cá nhân và công tác bảo đảm đối với các tổ chức của Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ những ưu điểm của Nghị định số 162; khẳng định đây là cơ sở pháp lý quan trọng về đảm bảo chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia GGHB LHQ của Việt Nam. Cùng với đó, các đại biểu cũng đã thảo luận, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định số 162 nhất là sau khi có Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB LHQ. Các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 162 cho phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bộ Quốc phòng cũng đã tổ chức Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo lập đề nghị xây dựng Luật về tham gia lực lượng GGHB của LHQ do Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại phiên họp, các đại biểu đã cùng đóng góp ý kiến liên quan tới việc lập đề nghị xây dựng Luật tham gia lực lượng GGHB LHQ.

Trong thời gian qua, việc tham gia hoạt động GGHB LHQ về cơ bản đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đạt nhiều kết quả quan trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, tạo hiệu ứng tích cực về trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và LHQ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tham gia hoạt động GGHB LHQ đã được xây dựng tương đối hoàn chỉnh. Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng GGHB LHQ thống nhất và đồng bộ với Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018 và Luật Công an nhân dân năm 2018. Vì vậy, việc xây dựng Luật về tham gia lực lượng GGHB LHQ thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của LHQ, đồng thời là cơ sở tạo nguồn, xây dựng lực lượng, nâng cao năng lực, tổ chức huấn luyện, chuẩn bị chu đáo cho các lực lượng chuẩn bị tham gia GGHB theo các nội dung, quy định của LHQ.

NGỌC THƯ (ghi)