Du lịch đêm không chỉ toàn “màu hồng”

Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” đưa ra 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm gồm: Biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; mua sắm, giải trí đêm; tham quan du lịch đêm và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. 

Nằm trong hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) là một hoạt động kinh tế đêm khá thành công. Sau 11 lần tổ chức, lễ hội đã trở thành món ăn tinh thần với nhiều du khách trong và ngoài nước. Năm nay, lượng khách do cơ sở lưu trú phục vụ trong hơn một tháng diễn ra DIFF 2023 (từ ngày 2-6 đến 8-7) đạt khoảng 942.000 lượt, tăng 29% so với DIFF 2019. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành tháng 6 năm 2023 ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2022. 

Du khách Ravi Capeles (New York, Hoa Kỳ) chia sẻ: “Tôi dự định ở đây 6 ngày nhưng khi nghe có DIFF 2023 sẽ diễn ra nên nán lại. Thực sự không uổng phí bởi lễ hội rất tuyệt vời. Tôi vui vì quyết định này”.

 

 

Lễ hội pháo hoa quốc tế là sản phẩm du lịch đêm đã thành thương hiệu của Đà Nẵng (ảnh chụp Lễ khai mạc DIFF 2023). Ảnh: HOÀNG GIANG

Giống như DIFF, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm hay đêm phố cổ Hội An… cũng là những trải nghiệm không thể bỏ qua với bất kể du khách trong, ngoài nước khi muốn tìm hiểu văn hóa tại Hà Nội và Quảng Nam.

Tuy nhiên, du lịch đêm không hoàn toàn chỉ có ưu điểm, “màu hồng”. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu các chất cồn (IAS) của Anh cho thấy, lượng tiêu thụ đồ uống có chứa cồn gia tăng mạnh khi phát triển kinh tế ban đêm. Lo sợ thiếu niên sớm nhiễm thói hư tật xấu liên quan đến việc tụ tập đi chơi đêm, thử ma túy, năm 2019, chính quyền Malaysia còn tính đến giải pháp cấm trẻ dưới 18 tuổi ra ngoài phố sau một số giờ, tùy theo độ tuổi. Bên cạnh đó, nhiều “thành phố đêm” không tránh khỏi những hệ lụy từ việc kẻ xấu lợi dụng sự nhộn nhạo của bóng đêm để thực hiện các hành vi phi pháp như: Buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy, cờ bạc, mại dâm…

Ngoài ra, Việt Nam cũng có những sản phẩm du lịch đêm đã thất bại. Một trong số đó là phố đi bộ Trịnh Công Sơn của Hà Nội. Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Khi làm du lịch đêm sẽ kéo theo nhiều vấn đề về tiếng ồn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, y tế, giao thông vận tải”. 

Vì thế, theo Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh: “Dù trước khi có đề án, một số địa phương đã triển khai sản phẩm du lịch đêm nhưng việc thực hiện tổng thể đề án chính là góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo ra sự bền vững và gia tăng các giá trị từ du lịch, tăng cường thu hút du khách, đưa sản phẩm du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm”.

Chìa khóa giải quyết bất cập

Theo các chuyên gia, chìa khóa để giải quyết bất cập ở đây là các địa phương cần chú trọng việc phân chia khu vực, địa bàn cụ thể để tập trung phát triển mô hình sản phẩm du lịch đêm như đề án đưa ra. Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết: “Điểm cốt lõi để thực hiện thành công đề án là tổ chức và thực hiện theo đúng các mô hình sản phẩm du lịch đêm; có giải pháp phù hợp để phát triển các sản phẩm dịch vụ đêm theo lợi thế của từng địa phương; bố trí nguồn lực và đưa ra các chính sách phù hợp cho phát triển sản phẩm du lịch đêm”.

PGS, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bày tỏ: “Hoạt động du lịch đêm gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực. Giải pháp quan trọng nhất là phải phân khu lãnh thổ, phân bố không gian tổ chức dịch vụ ban đêm để hoạt động du lịch đêm mang lại hiệu quả mà không ảnh hưởng tới người dân và các du khách khác.

Khu vực làm kinh tế đêm cần có chuỗi kết nối sản phẩm ban đêm tốt, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Quy hoạch khu vực kinh tế đêm cũng cần nhận được sự đồng thuận và chung tay từ người dân, doanh nghiệp. Khi người dân, doanh nghiệp xác định được họ hưởng lợi ích gì, chịu những tác động tiêu cực ra sao và nhận thức rõ ràng về điều đó cộng với vai trò quản lý của chính quyền thì hoạt động mới hiệu quả”.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Việt Nam  đề xuất: “Nhiều điểm du lịch có thể học kinh nghiệm các nước để có quy hoạch rõ ràng khu du lịch đêm cho khách thoải mái trải nghiệm dựa trên thế mạnh riêng về văn hóa, giải trí… Chẳng hạn, sòng bạc De Genting (Malaysia) mở thâu đêm, khách đến nườm nượp là một khu tách biệt phải đi cáp treo để đến. Paris (Pháp) có tour du thuyền ngắm những công trình nổi tiếng dọc sông Seine tĩnh lặng về đêm hay biểu diễn đêm tại bảo tàng về Napoleon với phần cách âm tuyệt hảo”.

Theo các chuyên gia, vai trò của địa phương rất lớn trong giải quyết những vấn đề phát sinh cũng như tổ chức nhân lực thực hiện… Không phải khu vực nào cũng có thể làm kinh tế đêm. Chúng ta có thể lựa chọn gần khu thương mại để tận dụng lợi thế tự nhiên cho hoạt động mua sắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là quy hoạch khu vực đó cần đạt được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư bằng cách thuyết phục về các lợi ích và giải pháp khắc phục những vấn đề sẽ phát sinh. Quản lý hoạt động kinh tế đêm có nhiều nội dung khác nhau, chính sách và mô hình quản lý khác nhau giữa các điểm, các địa phương.

Chúng ta cần sự quản lý bài bản, dự báo trước rủi ro, vướng mắc để đề ra phương án xử lý thích hợp. Tổ chức dịch vụ cho khách không chỉ là sản phẩm tour hấp dẫn để tận dụng thời gian của khách tại điểm đến, thu hút người dân địa phương và xung quanh, đầu tư khu mua sắm, tổ chức hệ thống vận chuyển, bến bãi mà còn cần tổ chức dịch vụ ăn uống, đề cao văn hóa ẩm thực, quảng bá hình ảnh điểm đến hay các hoạt động văn hóa nghệ thuật, quản lý thông tin.

Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, các địa bàn: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm. Hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất một đêm.

Đến năm 2030, mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa-Vũng Tàu. Hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

THANH PHƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.