Một trong những giải pháp được tập trung thực hiện là tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động quản lý, khám, chữa bệnh. 

“Trước đây, khi đi khám bệnh, tôi phải chờ cả buổi sáng hoặc sang nửa buổi chiều để làm thủ tục lấy sổ và chờ đợi kết quả. Tuy nhiên, bây giờ tôi không phải chờ đợi lâu hay phải chịu cảnh chen lấn. Đến bệnh viện, chỉ cần trình thẻ bảo hiểm y tế và căn cước công dân cho bộ phận tiếp nhận để nhập dữ liệu vào máy tính rồi lên cửa phòng khám, nhìn số thứ tự và tên mình trên màn hình, chờ đến lượt vào khám, rất thuận lợi và nhanh gọn”, bác Trần Thu Thảo, sinh sống tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội chia sẻ.

Hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Ảnh: YẾN HỒNG 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật. Gần như toàn bộ các bệnh viện đã có phần mềm hệ thống thông tin bệnh viện, triển khai phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh; gần 100% bệnh viện đã kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, phục vụ giám định khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế điện tử. Bệnh nhân khi đến khám tại bệnh viện chỉ cần nhập thông tin cá nhân hoặc mã số bệnh nhân là cho ra các kết quả như bệnh án, thông tin tiền sử bệnh, quá trình sử dụng thuốc hoặc các mũi tiêm vaccine từ trước.

Mặt khác, việc sử dụng đơn thuốc điện tử mang lại nhiều lợi ích vì có độ chính xác cao, được lưu trong hệ thống nên bác sĩ sẽ biết bệnh nhân từng dùng những loại thuốc nào, trong thời gian bao lâu, từ đó dễ dàng nắm bắt và có phác đồ điều trị hiệu quả hơn so với thuốc kê đơn được viết bằng tay, đồng thời bảo đảm cập nhật thông tin mới của người bệnh. Các kết quả xét nghiệm, chụp chiếu của bệnh nhân cũng được lưu trữ trên hệ thống sẽ giúp bác sĩ thuận tiện trong công tác điều trị, chẩn đoán kịp thời và hiệu quả, ngay cả khi bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên. Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý khám, chữa bệnh giúp cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân, cho phép bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế kết nối, giao tiếp với bệnh nhân một cách hiệu quả thông qua thiết bị di động, máy tính. 

“Cả gia đình tôi đều có hồ sơ sức khỏe điện tử tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City. Ngoài ra, trên điện thoại cá nhân, tôi tải ứng dụng MyVinmec để tiện theo dõi hồ sơ sức khỏe của cả nhà. Nhờ ứng dụng này, tôi có thể đặt các câu hỏi trực tuyến hoặc lịch hẹn với bác sĩ và được nhắc hẹn trước ngày tới khám. Bên cạnh đó, ứng dụng lưu trữ rất chính xác, cụ thể các thông tin khám bệnh của từng thành viên bao gồm cả hình ảnh chụp chiếu, kết quả xét nghiệm, siêu âm, đơn thuốc chỉ định, các mũi tiêm vaccine”, chị Nguyễn Hương Xuân, sinh sống tại khu đô thị Times City, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho biết.

Xác định cải cách hành chính, ứng dụng CNTT, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh theo hướng nhanh, gọn, chính xác là nội dung trọng tâm, thường xuyên. Do vậy, để CNTT phát huy hiệu quả hơn nữa trong công tác khám, chữa bệnh, cần có sự quan tâm kịp thời, sát sao của lãnh đạo các cơ sở y tế. Khi những nội dung chỉ đạo được tổ chức thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên y tế thì chất lượng khám, chữa bệnh sẽ ngày càng được nâng cao, giảm thời gian chờ đợi, giảm sai sót, nhầm lẫn, tăng cường tính công khai, minh bạch… và chắc chắn người bệnh sẽ hài lòng hơn.

HỒNG ANH