Còn nhiều dư địa tiết kiệm điện

Các khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng về mặt kỹ thuật trong các ngành công nghiệp và xây dựng có thể đạt tới 68%. Trong đó, riêng các ngành công nghiệp của Việt Nam đang chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, với tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 20-30%. Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện cả nước có 3.068 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, tiêu thụ điện bình quân là 80 tỷ kWh/năm. Nếu các doanh nghiệp này thực hành tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì bình quân mỗi năm, cả nước tiết kiệm được khoảng 1,6 tỷ kWh, tương ứng với tiết kiệm được hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện.

Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong khối doanh nghiệp công nghiệp góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, đồng thời là giải pháp thiết thực giúp giảm chi phí cho chính doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Trong những năm qua, EVN đã đẩy mạnh các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. EVN tập trung tuyên truyền tiết kiệm điện tại gia đình, khu dân cư, trường học, công sở; hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm toán năng lượng, tư vấn xây dựng mô hình quản lý năng lượng, đánh giá quản lý nhu cầu điện cho khách hàng; hỗ trợ và cung cấp dịch vụ lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Đặc biệt, EVN đẩy mạnh thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện đối với khách hàng trọng điểm.

Hiểu một cách đơn giản, thực hiện điều chỉnh phụ tải điện là khuyến khích khách hàng doanh nghiệp hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm, qua đó, giảm công suất cực đại giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải. “Việc điều chỉnh phụ tải không chỉ tiết kiệm cho khách hàng mà còn giảm áp lực cho ngành điện. Bởi, nếu không thực hiện điều chỉnh phụ tải, ngành điện sẽ phải đầu tư rất nhiều vào nguồn và lưới điện để có thể đáp ứng mức công suất cực đại của hệ thống điện. Mức công suất tăng cao như vậy có thể chỉ kéo dài 10-15 phút, nhưng nhu cầu vốn đầu tư lại quá lớn khiến giá thành sản xuất điện tăng cao, tạo áp lực lên giá bán điện, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng điện”, ông Võ Quang Lâm nhấn mạnh.

Nhân viên Công ty Điện lực Sơn La tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.  Ảnh: PHƯƠNG ANH 

Cần thêm chính sách thúc đẩy tiết kiệm điện

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã và đang được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm và coi là một trong những trụ cột quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cũng như giúp cho ngành năng lượng phát triển bền vững. Năm 2020, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu rõ, tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân.

Có thể thấy, dù quốc gia có hệ thống năng lượng hiện đại đến đâu, xuất khẩu hay nhập khẩu năng lượng đều có chủ trương tuyên truyền, yêu cầu người dân tăng cường tiết kiệm điện. Tại Việt Nam, để tiết kiệm năng lượng đạt hiệu quả, cần tiếp cận toàn diện từ cả hai phía cung và cầu. Nhà nước cần có biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và người dân tuân thủ thực hiện tiết kiệm năng lượng. Đồng thời phải có cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho các doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp tiết kiệm năng lượng. “Nhận thức, thói quen và hành động của một cá nhân sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực hành tiết kiệm của các tổ chức, đơn vị”, ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và đào tạo, chủ trì Mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam nhấn mạnh.

Ghi nhận thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đều đánh giá cao vai trò của việc điều chỉnh phụ tải. Song, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc điều chỉnh phụ tải vẫn chưa thực sự có những cơ chế thúc đẩy tham gia mà mới chỉ dừng lại ở kêu gọi, điều này chưa tạo được sự hấp dẫn đối với các doanh nghiệp. Đặc biệt, việc điều chỉnh phụ tải vẫn là tự nguyện nên khi thực hiện, một số khách hàng nêu lý do hoàn thành đơn hàng, không thể dừng sản xuất… Theo đó, các doanh nghiệp ý kiến, Chính phủ cần có các cơ chế tài chính khuyến khích việc thực hiện điều chỉnh phụ tải điện và sớm có hướng dẫn chi tiết để thu hút khách hàng tham gia.

Về lâu dài, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho rằng, cần sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đưa vào các chính sách, cơ chế thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng. Việc tiết kiệm điện không chỉ đơn thuần là kêu gọi nâng cao ý thức mà cần có những chế tài cụ thể cho người sử dụng điện. Cụ thể, quy định các ngành sản xuất, tiêu thụ nhiều điện như sắt, thép, xi măng… chuyển đổi công nghệ, giảm tiêu hao năng lượng, tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải để sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn nguồn điện; ban hành các quy định, hướng dẫn về định mức tiêu hao năng lượng, danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ… Quán triệt việc tiết kiệm điện tới toàn thể cán bộ, đưa nội dung tiết kiệm điện vào chỉ tiêu đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành kỷ luật nội bộ, khen thưởng và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền để khen thưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có thành tích trong công tác tiết kiệm điện.

Dự báo miền Bắc sẽ tiếp tục thiếu điện trong mùa hè năm sau (thiếu tối đa gần 2.000MW). Do đó, tiết kiệm điện chính là một trong những lời giải, giải pháp ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra. Điều này càng có ý nghĩa khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), quyết tâm giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.   

VŨ DUNG     

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.