Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu phục hồi chức năng lớn, tỷ lệ người khuyết tật cao, trên 7% dân số từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật. Hiện có khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; dân số già hóa, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam hiện nay là 11,9%. Thời gian qua, mô hình bệnh tật thay đổi như chấn thương không chủ định, bệnh tim mạch, đột quỵ, bệnh tâm thần, đại dịch Covid-19… làm gia tăng số người cần phục hồi chức năng.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh, phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu được của hệ thống y tế hoàn chỉnh.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhấn mạnh, phục hồi chức năng là một trong các lĩnh vực không thể thiếu được của hệ thống y tế hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, ngành phục hồi cũng gặp nhiều khó khăn: Cơ sở vật chất đa số còn chật hẹp, thiếu các trang thiết bị hiện đại, nhiều cơ sở phục hồi chức năng chưa tiếp cận với người khuyết tật, chưa có lối đi cho người đi xe lăn, chưa có phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu; nhân lực phục hồi chức năng còn thấp so với thế giới…

Hiện nay, đã có 10 địa phương sáp nhập bệnh viện phục hồi chức năng vào bệnh viện y học cổ truyền làm giảm số lượng bệnh viện phục hồi chức năng nhưng thiếu sự phối hợp, liên kết trong hoạt động chuyên môn. Các kỹ thuật can thiệp bằng dụng cụ phục hồi chức năng chưa được bảo hiểm y tế hỗ trợ, là gánh nặng với người khuyết tật và gia đình. Kinh phí thực hiện phục hồi chức năng cho người khuyết tật của các địa phương hầu như chưa bố trí hoặc nếu có thì rất ít địa phương bố trí kinh phí, nhất là công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.

Phát biểu tại hội thảo, GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ, nhiều năm qua, công tác phục hồi chức năng được Quốc hội, Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quan tâm, chú trọng đầu tư và phát triển nên đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng. Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, làm định hướng, cơ sở quan trọng để các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ, khẩn trương hơn hoạt động chăm sóc phục hồi chức năng trên toàn quốc.

Tin, ảnh: HÀ VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.