Kỳ họp thứ sáu khai mạc ngày 23-10

Báo cáo tóm tắt tổng kết Kỳ họp thứ năm, chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sau 23 ngày làm việc, Kỳ họp thứ năm đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc đã đề ra, tiếp tục có đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. 

 Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội đã thông qua 8 Luật, 17 Nghị quyết; cho ý kiến 9 dự án luật khác và xem xét nhiều báo cáo quan trọng. Các nội dung kỳ họp thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, có tính chiến lược lâu dài, giải quyết căn cơ những bất cập của cơ chế, chính sách, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội, được cử tri, nhân dân quan tâm, ủng hộ. 

Trong thời gian một tuần giữa 2 đợt họp, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp 4 ngày để chỉ đạo tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua.

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác.

Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2023 và 2024; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế – xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ tư; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác; trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung cần được trình Quốc hội xem xét quyết định để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. 

Về thời gian, dự kiến Quốc hội sẽ bố trí hơn 11 ngày cho công tác lập pháp; 11 ngày cho các vấn đề quan trọng; 1,5 ngày cho khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết và dự phòng. Phiên khai mạc Kỳ họp thứ sáu dự kiến được tổ chức vào thứ Hai, ngày 23-10 tới. Kỳ họp cũng sẽ được tổ chức thành 2 đợt.

Đăng ký nội dung trình Quốc hội trong tháng 7

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng rất lớn các công việc. Các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng, trách nhiệm; phối hợp với nhau rất tốt, nhịp nhàng; được tiến hành thận trọng, chặt chẽ; phát huy được dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch nên đạt được sự đồng thuận rất cao của các vị đại biểu Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo. 

Về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chậm nhất là trong tháng 7 phải đăng ký những nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Đặc biệt là những nội dung bắt buộc phải có như thuế tối thiểu toàn cầu, báo cáo đánh giá rà soát pháp luật, quy hoạch không gian biển quốc gia…

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ 7 nội dung theo chương trình. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội khẩn trương ban hành các thông báo, kết luận để các tổ chức, cơ quan hữu quan khẩn trương tổ chức thực hiện.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan. 

CHIẾN THẮNG