Nhiều ngành, nghề hồi phục ấn tượng

Đầu tháng 6, các chỉ số kinh tế của TP Hồ Chí Minh trong quý II-2023 được dự báo đạt kết quả khá nổi bật, lấy lại đà tăng trưởng. Theo đồng chí Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, đánh giá trong kết quả chung ấn tượng về tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của quý II-2023 cho thấy, các lĩnh vực, ngành, nghề thể hiện sự hồi phục, khởi sắc rõ nét, tăng trưởng cao, có thể cao hơn cả kịch bản cao nhất mà thành phố đề ra. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp, xây dựng dự kiến tăng 4,77% so với quý I chỉ tăng 0,8%; khu vực dịch vụ có mức tăng cao nhất với dự báo 7,6%, tính chung 6 tháng là 4,96%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5-2023 tăng hơn 10% so với tháng 5-2022, cộng dồn 5 tháng đầu năm tăng 6,2%. Giải ngân vốn đầu tư công cũng có kết quả ấn tượng khi đạt gần 10.200 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4 và tháng 5-2023, giải ngân đầu tư công đạt hơn 8.000 tỷ đồng…

 Đô thị trung tâm quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển hiện đại khi kinh tế tăng trưởng bền vững. 

Theo đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sự hồi phục về kinh tế của thành phố trong quý II có sự hỗ trợ rất lớn từ Trung ương, Chính phủ, nhất là sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn theo kiến nghị của thành phố, ban hành nhiều chính sách kịp thời giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, vướng mắc về pháp lý. Thành phố triển khai các chương trình khuyến mại lớn, kích cầu, tăng sức mua hiệu quả được xem là điểm nhấn đột phá, nhờ đó, sức mua của thị trường hồi phục, tăng trưởng trở lại, trở thành điểm sáng của nền kinh tế với tổng mức bán lẻ hàng hóa tính chung 5 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Tập trung các mũi nhọn, tăng cường đối thoại

Nhìn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP Hồ Chí Minh trong quý II-2023 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, có thể thấy tập trung ở nhiều giải pháp đột phá, có tính mũi nhọn, trọng tâm được đưa ra. Đó là thành phố tập trung kích cầu, tăng sức mua, tháo gỡ các vướng mắc cho dự án bất động sản, khôi phục thị trường bất động sản; giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm như vành đai 3, vành đai 2, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh)…; kích cầu du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, tiểu thương khó khăn… Nhiều chương trình khuyến mại được thành phố, doanh nghiệp tung ra trong 3 tháng hè đã giúp kích cầu nội địa. Để kích cầu du lịch, ngành du lịch thành phố tái khởi động chương trình, quảng bá rộng rãi thông điệp: “Du lịch an toàn”; “An toàn trong từng trải nghiệm”; “Người thành phố đi du lịch thành phố”…

Đối thoại là một hình thức được chính quyền TP Hồ Chí Minh phát huy triệt để và hiệu quả trong tháo gỡ, giải quyết các tắc nghẽn của nền kinh tế. Ở những vấn đề phức tạp, liên ngành, UBND thành phố lập các tổ công tác do một đồng chí phó chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng, chỉ đạo, điều phối, trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp, các ngành để tháo gỡ vướng mắc. Đặc biệt, ở lĩnh vực bất động sản, với hình thức này, trong quý II-2023, TP Hồ Chí Minh đã phân loại các nhóm vướng mắc, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt dự án trong tổng số 156 dự án bất động sản trên địa bàn, góp phần tăng nguồn cung nhà ở, cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp, kích ứng các ngành, nghề liên quan bất động sản hồi phục.

 TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức các chương trình, diễn đàn quy mô để gặp mặt, lắng nghe doanh nghiệp, người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học… hiến kế, đóng góp ý kiến tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại ngay trong quý II-2023. Các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát những tồn tại, vướng mắc, tồn đọng, đề ra kế hoạch, mục tiêu cụ thể để tăng sức mua, kích cầu du lịch, giải ngân vốn đầu tư công…

Thạc sĩ Đinh Tiên Hoàng, giảng viên Trường Đại học Văn Lang, TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, những giải pháp có tính mũi nhọn, đột phá được thành phố triển khai cho thấy sự đúng hướng, khơi thông những điểm nghẽn của nền kinh tế, đặc biệt là tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thành phố suy giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực rơi vào khó khăn; nhiều doanh nhân, doanh nghiệp bị những áp lực lớn do lãi suất ngân hàng quá cao, dòng tiền bị đứt gãy, ảnh hưởng do kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát tăng, thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc… Các chính sách hỗ trợ của thành phố đã hướng trực tiếp đến các doanh nghiệp, tháo gỡ thủ tục, vướng mắc trực tiếp ở từng nhóm ngành, lĩnh vực, của từng doanh nghiệp, đã phát huy rất hiệu quả ngay trong quý II-2023.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TP Hồ Chí Minh vừa được Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Khi nghị quyết mới được Quốc hội thông qua sẽ tạo nên những thuận lợi, điều kiện vô cùng lớn, tạo đà và động lực cho thành phố phát triển. TP Hồ Chí Minh cần chủ động xây dựng các kế hoạch, phương hướng, quyết tâm cụ thể để triển khai hiệu quả các cơ chế đặc thù, giải quyết những tồn tại, vướng mắc, phát huy nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có tính dài hạn, bền vững, phát huy những trụ cột, lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao…

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh và tin rằng, lấy lại đà tăng trưởng trong quý II là kết quả của sự nỗ lực, năng động, sáng tạo rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân thành phố, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan Trung ương và các bộ, ngành. Các cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh sẽ giúp khơi thông, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, nguồn lực phát triển; chủ động, giải quyết các vướng mắc tồn tại… TP Hồ Chí Minh trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, góp phần tạo động lực mới cho thành phố và đất nước phát triển.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN