Nhân “Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023”, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về những chiến công và bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Phóng viên (PV): Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm trên các tuyến biên giới. Thời gian qua, công tác này có gì nổi bật, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới diễn ra với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ Lào, Campuchia qua khu vực biên giới vào Việt Nam tiêu thụ và đi sang nước thứ 3 có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động vận chuyển ma túy trên biển cũng gia tăng.

Trước tình hình đó, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm của Bộ đội Biên phòng luôn quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, chú trọng đẩy mạnh đấu tranh các chuyên án, thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ, kế hoạch chuyên đề, đấu tranh triệt phá các đường dây tội phạm ma túy quy mô lớn, xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan trong đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy; nhất là phối hợp trao đổi thông tin, điều tra phát hiện, đấu tranh triệt phá các đường dây, tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự tại các địa bàn trọng điểm trên tuyến biên giới.

Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã xác lập và đấu tranh thành công 40 chuyên án; chủ trì, phối hợp bắt 386 vụ/555 đối tượng phạm tội về ma túy; thu gần 350kg ma túy các loại. Đặc biệt, thực hiện tháng cao điểm tấn công tội phạm ma túy, từ ngày 1-6 đến 19-6, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm của Bộ đội Biên phòng đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 120 vụ/201 đối tượng, thu giữ 26,5kg ma túy, 4 khẩu súng và một số tang vật liên quan.

Mới đây, ngày 12-6, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Phòng Trinh sát kỹ thuật, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm và Công an tỉnh Điện Biên đấu tranh thành công Chuyên án ĐB523p, triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy từ Lào vào Việt Nam, bắt giữ 2 đối tượng và thu giữ 120.000 viên ma túy tổng hợp…

PV: Thưa đồng chí, để có được những kết quả đó, Bộ đội Biên phòng đã triển khai những giải pháp gì?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như: Yêu cầu các đơn vị chủ động nắm tình hình từ sớm, từ xa; phân tích, đánh giá, dự báo sát đúng tình hình tội phạm trên từng tuyến biên giới, kịp thời phát hiện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm ma túy để chủ động có chủ trương, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, các kế hoạch cao điểm, xác lập các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy quy mô lớn, xuyên quốc gia, không để phát sinh các điểm nóng về tội phạm, tệ nạn ma túy ở khu vực biên giới…

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy và vi phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng trong và ngoài nước để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng, chống tội phạm; kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc…

Ngày 12-6-2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Điện Biên bắt vụ vận chuyển 120.000 viên ma túy tổng hợp. Ảnh: VĂN TÙNG

PV: Được biết, thủ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao kết quả huấn luyện sát thực tiễn đánh án của Bộ đội Biên phòng đã góp phần bảo đảm an toàn trong đấu tranh với tội phạm những năm qua. Đồng chí có thể chia sẻ những “bí quyết” để bảo đảm an toàn cho lực lượng trực tiếp đấu tranh với tội phạm ma túy?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Để đánh án hiệu quả và bảo đảm an toàn cho  lực lượng của ta, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị lựa chọn cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất, sức khỏe tốt, giỏi chuyên môn nghiệp vụ và phân công nhiệm vụ phù hợp để phát huy tốt khả năng, sở trường; làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, luôn đổi mới phương thức nghiệp vụ để đấu tranh hiệu quả; tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật trong công tác trinh sát, điều tra.

Đặc biệt, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng làm tốt công tác huấn luyện, luyện tập các phương án chiến đấu sát với thực tế đấu tranh với tội phạm ma túy trên từng địa bàn, đối tượng. Chủ động trong nắm, dự báo tình hình, phương thức hoạt động của tội phạm để xác định phương hướng, nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện, nhất là huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ. Trước khi đánh án phải đánh giá kỹ về âm mưu, thủ đoạn hoạt động, đặc điểm và khả năng chống trả của đối tượng; khảo sát nắm chắc địa bàn để xây dựng kế hoạch, phương án, bố trí, sử dụng lực lượng, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và cách xử trí, rồi luyện tập kỹ để bảo đảm chắc thắng, an toàn tuyệt đối. Sau mỗi chuyên án, vụ án, kế hoạch nghiệp vụ đều tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc, nhân rộng những cách làm hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La) triển khai nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy. Ảnh: LÊ HƯNG

PV: Theo đồng chí, thời gian tới, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới sẽ diễn biến ra sao? Bộ đội Biên phòng có gặp khó khăn gì trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy?

Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh: Việt Nam là “cửa ngõ” để tội phạm vận chuyển ma túy từ khu vực “tam giác vàng” đi đến các nước tiêu thụ. Phương thức hoạt động của tội phạm ma túy là lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn; lợi dụng các mối quan hệ dân tộc, thân tộc của đồng bào ở hai bên biên giới để móc nối với nhau, tổ chức thành các toán, nhóm có trang bị vũ khí “nóng”; thường xuyên thay đổi phương thức, địa bàn, thủ đoạn hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí “nóng” chống trả quyết liệt. Thậm chí, tội phạm ma túy tìm mọi cách đe dọa, khủng bố, trả thù lực lượng chức năng và người thân của cán bộ, chiến sĩ đánh án…

Cùng với đó, các tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia triệt để tận dụng công nghệ cao, phương tiện hiện đại để hoạt động; lợi dụng chính sách hải quan thông thoáng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu để trà trộn, cất giấu, vận chuyển ma túy…

Trong khi địa bàn biên giới đất liền và tuyến biển của nước ta rất rộng thì lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm của Bộ đội Biên phòng còn mỏng, trang bị vũ khí, khí tài kỹ thuật còn hạn chế, nhất là về những trang thiết bị hiện đại nên quá trình đấu tranh với tội phạm ma túy gặp rất nhiều khó khăn.

Đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên tuyến biên giới là cuộc chiến đầy khốc liệt, nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, Bộ đội Biên phòng luôn xác định phải nỗ lực thực hiện tốt vai trò xung kích, nòng cốt, phấn đấu cao nhất để góp phần ngăn chặn ma túy từ các nước tuồn vào Việt Nam, giảm hiểm họa của ma túy và tội phạm ma túy gây ra cho nhân dân, đất nước.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

LÂM SƠN (thực hiện)