VietNamNet trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại Đại hội Công đoàn TT&TT Việt Nam lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2023-2028, diễn ra ở Hà Nội, ngày 16/10.

congdoan3.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý cần nghiên cứu phát triển một nền tảng đào tạo kỹ năng số, học tập cả đời cho người lao động.

Ngành của chúng ta đang bước vào cuộc đổi mới lần 2.

Đổi mới lần 1 là chọn đúng công nghệ hiện đại và đi thẳng vào đó.

“Với không gian sống mới là không gian mạng, lần đầu tiên, loài người thay vì tiêu xài và làm cạn kiệt tài nguyên khi phát triển thì đã sinh ra tài nguyên mới, đó là dữ liệu số.Bộ trưởng” Nguyễn Mạnh Hùng

Đổi mới lần 2 thì nội hàm của viễn thông đã thay đổi. Hạ tầng viễn thông vốn là hạ tầng thông tin liên lạc, thì nay đã trở thành hạ tầng của nền kinh tế số, gọi là hạ tầng số, tham gia vào mọi khía cạnh của đời sống KT-XH. Hạ tầng số thì ngoài viễn thông còn có điện toán đám mây, Internet vạn vật, cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng.

Hạ tầng số là hạ tầng của chuyển đổi số (CĐS). Hạ tầng số là để số hoá thế giới thực và hình thành một không gian mới, không gian số, hay còn gọi là không gian mạng (KGM). Loài người có thêm một không gian sống mới là KGM. Lần đầu tiên loài người thay vì tiêu xài và làm cạn kiệt tài nguyên khi phát triển thì đã sinh ra tài nguyên mới, đó là dữ liệu số.

Đổi mới lần 1 thì chủ yếu dựa trên công nghệ nước ngoài, đổi mới lần 2 thì phải chủ yếu dựa trên công nghệ Việt Nam phát triển. Chúng ta đã nghiên cứu sản xuất được thiết bị mạng lưới viễn thông, làm chủ nền tảng số, công nghệ điện toán đám mây, nền tảng Internet vạn vật (IoT).

Đổi mới lần 1 thì tập trung vào trong nước, đổi mới lần 2 còn là đi ra nước ngoài chinh phục thị trường quốc tế.

Đổi mới lần 1 là phổ cập viễn thông, Internet. đổi mới lần 2 là phổ cập công nghệ số đến từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng người dân để họ có công cụ làm ăn, nó giống như phổ cập điện. Thay vì phổ cập dịch vụ viễn thông thì phổ cập công cụ lao động, biến công cụ lao động thành dịch vụ.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 đã nêu rõ “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo”. CĐS đã trở thành công cuộc toàn dân và toàn diện. Ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội. Trở thành động lực chính để phát triển Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Là phương thức phát triển mới để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình CNH, HĐH đất nước.

“Đổi mới lần 2 là phổ cập công nghệ số đến từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình, từng người dân để họ có công cụ làm ăn, giống như phổ cập điện. Thay vì phổ cập dịch vụ viễn thông thì phổ cập công cụ lao động, biến công cụ lao động thành dịch vụ.” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Ba cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước đây, vì những lý do khách quan, nhất là chiến tranh, chúng ta đã không tận dụng được cơ hội do các cuộc CMCN này mang lại. Cuộc CMCN lần thứ tư xảy ra khi đất nước ta đã hoà bình, đã thoát nghèo thành nước thu nhập trung bình. CMCN lần thứ tư là cuộc cách mạng về thông minh hoá, dựa chủ yếu trên trí tuệ nhân tạo, trên thuật toán, vốn là điểm mạnh của người Việt Nam.

Và ngoài ra, các công nghệ chính của CMCN lần thứ tư đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu, đã bước vào giai đoạn ứng dụng. Nghiên cứu, khám phá thì cần giới tinh hoa, bỏ ra công sức vài chục năm mới có thể có một đột phá. Vẫn là Hoa Kỳ và một số nước phát triển đóng vai chính trong giai đoạn này. Nhưng giai đoạn ứng dụng thì cần kỹ sư, cần nhiều kỹ sư mức ứng dụng, mức thực hành. Ai nhanh chân thì được hưởng lợi nhiều nhất để phát triển đất nước. CMCN lần thứ tư đã thực sự bước vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi và đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam chúng ta.

CMCN lần thứ tư, CNH, HĐH đất nước, phát triển đất nước dựa trên KHCN và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, thông minh hoá các hoạt động KT-XH, đổi mới quản trị các tổ chức,… Tất cả những cái này hội tụ trong CĐS quốc gia. CĐS quốc gia là công cuộc chính của tất cả chúng ta.

Công đoàn TT&TT Việt Nam vì vậy mà cũng cần phải đổi mới, phải CĐS, phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số để thay đổi căn bản các hoạt động của mình.

Việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thực hiện trên môi trường số, trên các nền tảng số. Một trợ lý ảo để giúp cho các công đoàn viên hỏi về các chế độ chính sách liên quan khi cần là quan trọng. Cách đào tạo, tuyên truyền bây giờ cũng đã thay đổi. Thay vì tập huấn, học tập thì có chỗ tin cậy để hỏi, và hỏi trên chiếc điện thoại di động của mình.

Việc tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, rồi cung cấp công cụ làm việc, công cụ hỗ trợ, rồi giám sát hoạt động của các công đoàn cơ sở cấp dưới cũng vậy. Thiết lập một nền tảng số làm việc dùng chung cho các công đoàn cơ sở. Tất cả tri thức của công đoàn được đặt trên nền tảng này. Người bình thường làm việc trên nền tảng số thì tức là đứng trên một hệ tri thức, tối thiểu cũng sẽ đạt mức tốt. Công đoàn ngành TT&TT phải xây dựng nền tảng làm việc này. Việc chính của Công đoàn ngành là xây dựng các nền tảng số, đây là cách trang bị tri thức, trang bị công cụ, trang bị sự tự động hoá, thông minh hoá cho đội ngũ của mình. Và cũng vì làm việc chung trên một nền tảng số mà công đoàn ngành sẽ giám sát được công đoàn các cấp. Tất cả những điều này trước đây là cơ bản không làm được.

“Người bình thường làm việc trên nền tảng số thì tức là đứng trên một hệ tri thức, tối thiểu cũng sẽ đạt mức tốt. Việc chính của Công đoàn ngành là xây dựng các nền tảng số, đây là cách trang bị tri thức, trang bị công cụ, trang bị sự tự động hoá, thông minh hoá cho đội ngũ của mình.” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thì khó nhất vẫn là do số lượng lớn. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp thì hàng trăm ngàn chính sách lao động, hàng trăm ngàn thoả ước lao động tập thể. Ngay cả khi có trong tay tất cả những thông tin này thì công đoàn cũng không có khả năng phân tích, phát hiện các vấn đề. Nhưng dùng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để làm việc này thì lại rất khả thi. Công đoàn ngành TT&TT phải có các công cụ AI để phân tích số lớn, để bảo vệ được hàng trăm ngàn đoàn viên của mình đang lao động tại rất nhiều tổ chức khác nhau.

Việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, chế độ chính sách cho người lao động cũng vậy. Vì quá nhiều nên rất khó phát hiện các vấn đề. Hiện nay, Bộ TT&TT đang phát triển một trợ lý ảo hỗ trợ lĩnh vực lập pháp. Trợ lý này giúp phát hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, giữa luật với các nghị định và thông tư. Công đoàn ngành có thể sử dụng trợ lý ảo này để hỗ trợ việc tham gia xây dựng, phát hiện và góp ý các vấn đề của người lao động.

tro ly ao ai.jpeg

Một trợ lý ảo để giúp cho các công đoàn viên hỏi về các chế độ chính sách liên quan khi cần là quan trọng. Bộ TT&TT đang phát triển một trợ lý ảo hỗ trợ lĩnh vực lập pháp. Ảnh: Trọng Đạt

Việc giám sát thực hiện các chế độ chính sách với người lao động của các doanh nghiệp thì không gì hơn là Công đoàn ngành nghe được phản ánh của người lao động, hoặc là trên không gian mạng, hoặc là trên một nền tảng xã hội của các công đoàn viên trong ngành. Một lần nữa, chúng ta lại gặp phải vấn đề số lớn. Nhưng một công cụ phát hiện và phân tích số lớn như vậy đã được Cục An toàn thông tin của Bộ sở hữu, Công đoàn ngành có thể sử dụng chung công cụ này.

Với sự thay đổi rất nhanh của KHCN, của công nghệ số (CNS) thì một nền tảng học tập cả đời sẽ là rất quan trọng và cần thiết. Công đoàn ngành cần nghiên cứu phát triển một nền tảng đào tạo kỹ năng số, học tập cả đời cho người lao động trong ngành, để họ có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi của lao động, của nghề nghiệp, để họ có thể sử dụng CNS, sử dụng AI để làm công việc của mình tốt hơn, chứ không phải là để cho CNS, AI thay thế họ. Tổng Công ty VTC, Tổng Cty MobiFone đã phát triển bước đầu một nền tảng như vậy, dựa trên nền tảng này để phát triển tiếp thì không khó, không tốn kém.

“Công đoàn ngành cần nghiên cứu phát triển một nền tảng đào tạo kỹ năng số, học tập cả đời cho người lao động trong ngành, để họ có thể thích ứng nhanh với sự thay đổi của lao động, của nghề nghiệp, để họ có thể sử dụng CNS, sử dụng AI để làm công việc của mình tốt hơn, chứ không phải là để cho CNS, AI thay thế họ” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Công đoàn là đoàn thể của công nhân, của người lao động. Xây dựng đoàn thể của mình lớn mạnh, mang lại lợi ích cho các đoàn viên của mình luôn là nhiệm vụ của bất kỳ đoàn thể nào.

Công đoàn ngành TT&TT phải phát triển tổ chức của mình lớn mạnh hơn nữa. Ngành TT&TT bây giờ không chỉ là bưu chính viễn thông (BCVT), mà còn là CNTT, CNS, CĐS, công nghiệp ICT, báo chí, phát thanh truyền hình, truyền thông, xuất bản, thông tin cơ sở. Công đoàn ngành phải mở rộng lực lượng của mình để đại diện cho toàn ngành.

Sau cùng, tôi muốn nói một chút về mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải có một mối quan tâm chung hàng đầu là làm cho doanh nghiệp phát triển. Có phát triển, có lợi nhuận thì mới có thể nói đến được những thứ khác, nếu không thì sẽ không có gì. Bởi vậy, việc đầu tiên là Công đoàn ngành phải hướng người lao động vào làm cho doanh nghiệp tốt lên, làm cho doanh nghiệp phát triển, và sau đó là chăm lo đến lợi ích hợp pháp của người lao động. Làm cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh cũng là làm cho quốc gia hưng thịnh.

Vietnamnet.vn