Cần quy định tường minh về nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng phải làm rõ hơn các quy định về tài chính đất đai, đặc biệt là định giá đất và quy hoạch sử dụng đất. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: DOÃN TẤN 

Nghị quyết số 18 của Trung ương yêu cầu đất đai phải được điều tra, đánh giá, kiểm kê, lượng hóa và hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, có thể thiết kế một chương trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về vấn đề này, hoặc quy định rải rác ở các chương nhưng phải quy định đầy đủ các nội dung để xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đây là vấn đề căn cốt để quản lý tài nguyên, nguồn lực đất đai.  

Đặc biệt, Nghị quyết số 18 của Trung ương yêu cầu phải có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Trong tài chính đất đai thì vấn đề khó nhất chính là định giá đất. Nhấn mạnh như vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải quy định tường minh các nguyên tắc xác định giá đất và các phương pháp xác định giá đất để Quốc hội cho ý kiến. Cả Quốc hội cùng bàn thảo, xem xét, quyết định thì sẽ tốt hơn việc chờ Luật Đất đai được ban hành xong Chính phủ mới đi nghiên cứu, xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết.

Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ, trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh có một nội dung rất quan trọng mà thành phố kiên trì đề xuất là cho phép áp dụng phương pháp hệ số K vì tính minh bạch và dễ thực hiện. Nhà đầu tư xác định được ngay chi phí đầu vào, thuê đất trả tiền một lần hay trả hàng năm trong phương án tài chính của mình là bao nhiêu. Các cơ quan quản lý cũng cứ thế mà áp dụng, rất minh bạch. Việc áp dụng phương pháp hệ số K cũng sẽ xử lý được câu chuyện đất giáp ranh phức tạp thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ. Ảnh: DOÃN TẤN 

Ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ quy hoạch thay đổi thình lình

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ nhất trí với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội rằng các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa bảo đảm được tính thực chất của việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện. Dự thảo luật chưa nói rõ bao nhiêu phần trăm thì có thể xác định là đồng thuận hoặc không đồng thuận, nếu người dân không đồng thuận thì như thế nào. Nếu trường hợp nhân dân không đồng thuận với dự thảo thì cơ quan có thẩm quyền có xem xét, sửa đổi nội dung dự thảo quy hoạch, kế hoạch hay không? Sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần? Trong trường hợp bảo lưu như dự thảo thì trách nhiệm giải trình thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền mà không thực hiện trách nhiệm giải trình ra sao? Nếu không làm rõ những vấn đề này thì tính khả thi của việc lấy ý kiến nhân dân rất thấp, sẽ lại mang tính hình thức và cũng rất khó cho những người thực hiện ở cơ sở. 

Về việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế, nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những “thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp”. Rủi ro lớn nhất của đầu tư vào nông nghiệp chính là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Nếu không quy định kỹ thì rất khó vận hành, mà vận hành rồi cũng khó tránh khỏi vi phạm trong khi việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là rất khó tránh khỏi trong thực tế vì đây là nhu cầu tất yếu của thực tiễn phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nói. 

 Quang cảnh phiên họp tổ. Ảnh: DOÃN TẤN

Chủ tịch Quốc hội đề nghị quy định rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp có lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải bổ sung quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tương thích với nội dung nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch tùy tiện; bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Qua đó tăng tính răn đe và lập lại trật tự trong lĩnh vực này.

CHIẾN THẮNG