Thế hệ sau được hưởng thụ nhiều hơn thế hệ trước mà giấc mơ lớn hơn thế hệ trước thì không có vấn đề gì. Hưởng nhiều hơn mà giấc mơ bé hơn thì đó là suy thoái. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói với 2.000 cán bộ của Viettel tại 100 điểm cầu trực tuyến trong cuộc tọa đàm chủ đề “For Viettel For Vietnam”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng Chủ tịch Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng tại toạ đàm “For Viettel for Vietnam” diễn ra ngày 19/7/2023

Áp lực thường xuất hiện khi mình lo cho bản thân

Chủ tịch Tào Đức Thắng cảm ơn Bộ trưởng đã thăm và làm việc với Tập đoàn, thay mặt cán bộ nhân viên Viettel đặt các câu hỏi với Bộ trưởng:

Mọi người rất quan tâm theo dõi công việc của anh trên Bộ. Anh rất khắt khe nhưng là để cho mọi người trưởng thành. Cũng có người thấy khó hiểu về việc luân chuyển cán bộ liên tục. Vậy khi thay đổi nhiều như vậy, anh có thấy áp lực gì không?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời: Áp lực nói không thì không đúng, nhưng nhiều thì không nhiều. Áp lực thường sinh ra trong bối cảnh mình nghĩ cho mình, lo cho mình, sợ mình làm thế này nhỡ ngày mai có việc gì mất chức thì sao.

Ở Viettel, khi được giao một nhiệm vụ mới, mọi người vẫn có thói quen về quê báo công với bố mẹ gia đình, nhưng có người 3 tháng sau mất chức không dám về nữa. Sau mọi người mới lan truyền nhau việc âm thầm nhận chức để đỡ bị áp lực.

Khi tạo thêm công việc và áp lực cho người khác, với tư cách người chỉ huy, mình phải làm cho họ thấy việc đó có ý nghĩa với họ, với ngành, với đất nước. Nếu thấy không ý nghĩa, không có giá trị cho đất nước thì mọi người không có động lực để làm. Nếu thấy có ý nghĩa thì không bảo người ta cũng làm.

Khi luân chuyển, chuyển sang một vị trí khác, nó cũng giống việc đến một không gian mới để tạo sự kích thích. Não chỉ bị kích thích bởi những gì mới: sếp mới, đồng nghiệp mới, môi trường mới. Khi luân chuyển, chúng ta nên có niềm tin họ sẽ có nhiều năng lượng mới, dù thời điểm đầu có hơi ngỡ ngàng.

Nhưng người lãnh đạo cũng phải làm nhiệm vụ backup (dự phòng). Nếu cán bộ được luân chuyển gặp khó khăn thì lãnh đạo phải giúp được, chỉ đường đi, thậm chí xắn tay vào làm giúp. Người lãnh đạo không được phép giao việc khó nếu mình không backup người đấy, vì giao việc khó là đã đẩy họ vào chỗ nguy hiểm nên mình phải có trách nhiệm. Giao việc khó cho người khác cũng phải chỉ ra cách làm dễ, khả thi. Thường thì đó là một cách tiếp cận mới.

Khi giao việc cho anh em, cần làm thế nào để sau mỗi tháng, mỗi quý người ta nhìn thấy kết quả, như để tiếp thêm năng lượng cho họ. Nếu làm triền miên không ra kết quả thì rất mệt mỏi, xuống sức rất nhanh.

Xây dựng văn hóa: Thông qua quy định rồi đến làm gương

Viettel có gần 80.000 người ở nhiều thị trường, màu da, lứa tuổi, ngôn ngữ. Làm thế nào để người Viettel có thể hiểu thống nhất các giá trị cốt lõi của Viettel? 

Bộ trưởng cho rằng, văn hoá là câu chuyện nhiều chục năm, việc xây dựng văn hoá là một chặng đường dài, và rất phụ thuộc vào lãnh đạo những thế hệ đầu tiên.

Quan trọng là các thế hệ lãnh đạo phải duy trì văn hoá. Văn hoá đi vào tổ chức chủ yếu là qua các quy định, qua cách mà doanh nghiệp đạt mục tiêu, cái này được quyết định bởi lãnh đạo. Văn hoá đi vào tổ chức cũng là qua làm gương của lãnh đạo.

Thí dụ, nếu nói Viettel có giá trị văn hoá cốt lõi là trưởng thành qua thách thức và thất bại, mà quy định lại kỷ luật nặng người thất bại, không cho họ có cơ hội tiếp theo thì Viettel sẽ không bao giờ có văn hoá đó.

Văn hoá là câu chuyện nhiều chục năm, việc xây dựng văn hoá là một chặng đường dài, và rất phụ thuộc vào lãnh đạo những thế hệ đầu tiên.

Điều kiện tốt hơn thế hệ trước thì giấc mơ phải lớn hơn 

Trong những chặng đường của Viettel, những nơi khó khăn nhất lại tăng trưởng tốt nhất, khó khăn tạo động lực cho phát triển. Khi chúng ta sung sướng, thuận lợi, hưởng thụ thì kết quả lại đi xuống. Cũng như thế hệ con cháu chúng ta, khi được thừa hưởng những thành quả phát triển kinh tế xã hội, có điều kiện tốt thì lại mất động lực phát triển? Liệu chúng ta có bắt thế hệ sau phải sống trong điều kiện khó khăn như thế hệ trước? Đây là trăn trở của người Viettel.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng so sánh ngày trước các thế hệ tiền bối trưởng thành từ khó khăn thiếu thốn, các cụ đi xe đạp làm cách mạng, làm kinh tế, sự khó khăn là động lực để tạo nên thành công. Thế hệ sau này điều kiện tốt hơn đi xe máy, rồi ô tô, liệu sự thuận lợi đó có làm thế hệ sau kém thế hệ trước. Chúng ta không thể bắt thế hệ sau phải thiếu thốn như thế hệ trước khi điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn, nhưng điều kiện tốt hơn thì giấc mơ phải lớn hơn. Đi xe máy nhưng mơ làm tên lửa, đi ô tô nhưng mơ làm vệ tinh. Thế hệ sau được hưởng thụ nhiều hơn thế hệ trước mà mà giấc mơ lớn hơn thế hệ trước trước thì không có vấn đề gì. Hưởng nhiều hơn mà giấc mơ bé hơn thì đó là suy thoái.

Làm đúng và làm tốt

Làm sao một doanh nghiệp có thể phát triển nhanh và bền vững? Người ta nói muốn nhanh phải làm việc mới, đột phá, nhưng làm những cái đó lại khó khăn do các quy định nhà nước không theo kịp thực tế. Có thực trạng mọi người thấy nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật, dẫn đến tâm lý đứng trước việc khó thì rụt lại. Tâm lý nào tạo nên sức ì, cản trở cho sáng tạo và đột phá?

Về nỗi sợ làm việc bây giờ, nhất là việc mới, Bộ trưởng nói, đa phần nỗi sợ này là do chưa hiểu, chưa tự tin việc mình làm. Ra một quyết định đầu tư mà không có cơ sở tính toán hiệu quả của nó thì sẽ sợ. Làm một việc mà không hiểu rõ quy định của pháp luật thì cũng sẽ sợ. Viettel đã từng có những quyết định rất lớn. Khi Vinaphone, Mobifone ra đời trước Viettel hàng chục năm, mạng lưới mới có 700-800 trạm phát sóng, mà Viettel ra đời sau quyết định đầu tư 4.000 trạm để thực hiện chiến lược “lấy nông thôn bao vây thành thị” thì phải có một cơ sở lý luận rất vững vàng, tính toán rất kỹ mới có thể ra một quyết định lớn như vậy. Không hiểu một cách sâu sắc thì không dám ra một quyết định lớn. Không hiểu một cách sâu sắc mà ra một quyết định lớn là liều lĩnh.

Định hướng để tháo gỡ tâm lý này, Bộ trưởng TT&TT kể lại câu chuyện Viettel trước đây. Vào năm 2004, Viettel ra quyết định đầu tư 4.000 trạm BTS, trong khi VinaPhone, MobiFone ra đời trước hàng chục năm mà mới có 700-800 trạm. Đấy có phải việc lớn, có phải đột phá không? Tất nhiên rồi. Có nguy cơ lãnh đạo mất chức, vào tù không? Tất nhiên là có, vì nếu thất bại là thất thoát tài sản nhà nước. Chỉ có hiểu biết sâu sắc mới dám ra một quyết định như vậy.

Viettel có một phát hiện lớn là công nghệ càng cao thì giá càng rẻ. Đầu tư cỡ 2 tỷ đồng cho 1 trạm BTS, trạm có thể phục vụ nhiều nhất 5.000 người. Nếu có một khách hàng thì đầu tư là 2 tỷ đồng, nếu có 5.000 khách hàng thì đầu tư tăng thêm cũng chỉ 10% thành 2,2 tỷ đồng. Vậy là việc 1 khách hàng hay 5.000 khách hàng là giá thành giảm đi hàng ngàn lần. Giá giảm như vậy thì người ở nông thôn cũng dùng được.

Vậy là ra đời một chiến lược độc đáo để di động phát triển thần tốc “lấy nông thôn vây thành thị”, chính là nhắm vào thị trường đông dân nhất làm cho giá viễn thông rẻ đi, và cũng chính bà con nông dân là người được hưởng thành quả giá rẻ từ chiến lược này nhất.

Không hiểu một cách sâu sắc thì không dám ra một quyết định lớn. Không hiểu một cách sâu sắc mà ra một quyết định lớn là liều lĩnh. Mình có niềm tin và lý luận, có cơ sở vững vàng thì mới dám ra quyết định lớn như thế. Khi có niềm tin và chứng minh được thì không sợ ra những quyết định lớn, có tính đột phá.

Việc tạo ra giá trị cho đất nước, có ý nghĩa với dân tộc, mang lại lợi nhuận cho Viettel, trong sáng, thì không có gì phải sợ. Viettel từ giờ chỉ nên nói là việc đó có đáng làm không, có tạo sự thay đổi cho đất nước không và nó có thành công không.

Doanh nghiệp thì được làm những gì mà luật pháp không cấm. Không gian sáng tạo do vậy mà rất rộng. Cứ làm hết những gì mà pháp luật không cấm thì đã là quá nhiều rồi. Ngay cả những gì pháp luật cấm thì vẫn có thể xin thử nghiệm có kiểm soát, thí dụ như Mobile Money.

Doanh nghiệp thì được làm những gì pháp luật không cấm.

Về mối quan hệ giữa quản lý và phát triển

Mình hay thiên về quản lý mà nhẹ về phát triển. Phải đặt mục tiêu phát triển, lấy đó làm trọng vì không phát triển là bị tụt hậu, tụt hậu rồi sẽ bị thôn tính. Vậy nên các cơ quan khi xây dựng thể chế cần chú ý tư tưởng quản lý để phát triển này. Phát triển rồi cũng sinh vấn đề, nhưng phát triển thì mới có thêm nguồn lực để xử lý các vấn đề.

Đừng bao giờ đổi mới mà đi qua phòng ban

Muốn thay đổi trong tập đoàn thì đừng bao giờ báo cáo phòng ban. Nghề của phòng ban là giữ ổn định, làm theo quy định, là không đổi mới, và họ cũng không có quyền đổi mới. Nếu xin ý kiến họ về cái mới thì câu trả lời sẽ là: không được. Và họ làm như vậy là họ đang làm đúng.

Trong một tổ chức thì chỉ có người đứng đầu là có quyền thay đổi. Có việc gì mới không đúng quy định và chưa có tiền lệ thì cần đưa lên thẳng cấp cao nhất, bỏ qua các khâu trung gian. Cái cũ thì qua phòng ban, cái mới thì lên thẳng lãnh đạo.

Tạo ra thách thức cao để thu hút người giỏi

Viettel cũng có nhiều bạn trẻ giỏi ra đi. Có cách nào để giữ chân họ, có cách nào để nhiều người tài đến với Viettel?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, Viettel tuy lớn nhưng Viettel không phải là cả thế giới. Viettel dù lớn thì cũng chỉ là một trong số hàng ngàn, hàng vạn doanh nghiệp, có người đến, người đi cũng là chuyện bình thường.

Người tài thì quan trọng nhất là có việc thách thức để làm, người tài thì tìm đến minh chủ, người tài thì tìm đến chỗ có điều kiện làm việc. Người tài thì đầu tiên chưa phải là thu nhập. Bởi vậy, Viettel muốn nhiều người tài đến và ở lại thì đầu tiên là có nghĩ ra việc vĩ đại cho họ không, có điều kiện cho họ làm việc không, người lãnh đạo có tố chất minh chủ không.

Người giỏi muốn gì? Bỏ qua yếu tố đủ sống vì đó là hiển nhiên, thì người càng giỏi càng muốn đến chỗ có thách thức cao. Các cụ ngày xưa để khởi nghĩa phải dựng lên ngọn cờ cao, từ đó thu hút được người tài của cả đất nước. Khi chúng ta không nghĩ ra, không nhận lấy những việc như vậy thì không bao giờ có người tài về với mình.

Câu chuyện tiếp theo là có đủ điều kiện để làm việc đó không? Người lãnh đạo cũng phải tạo các điều kiện làm việc cần thiết.

Điều thứ 3 là minh chủ. Người tài hay tìm đến minh chủ, sức hút của người đứng đầu với người tài là rất quan trọng.

Để giữ và thu hút người tài, hãy nhớ 3 việc đó.

Nhắc lại những việc đã đặt ra với Viettel, Bộ trưởng nhắc nhở: Nếu như không cương quyết nhận những việc vĩ đại thì người giỏi cứ rời Viettel ra đi, và Viettel sẽ trở thành công ty trung bình.

Nếu như không cương quyết nhận những việc vĩ đại thì người giỏi cứ rời Viettel ra đi, và Viettel sẽ trở thành công ty trung bình. 

Để người khác đứng trên vai mình

Tại buổi làm việc với Viettel, các Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng đã chia sẻ nhiều góc nhìn nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của doanh nghiệp này.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, lĩnh vực viễn thông truyền thống đang đi vào giai đoạn thoái trào. Viettel đang đi tìm không gian tăng trưởng mới, nhưng cần xem xét tỷ trọng cái mới là bao nhiêu, để biết xem Tập đoàn đã mạnh dạn tiến vào không gian mới hay chưa.

“Viettel nên xem xét lại, đặt ra mục tiêu, mạnh dạn đầu tư và chấp nhận lỗ giai đoạn đầu. Nếu tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển vẫn cứ bình bình, không tăng gấp 2 gấp 3 thì cơ hội tăng trưởng vẫn chỉ như cũ”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Đưa ra nhận định của mình, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, Viettel cần bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực mới nhưng phải gần với viễn thông, vốn là trụ chính của tập đoàn.

Trong giai đoạn tới, Viettel cần nhanh chóng triển khai 5G bằng thiết bị Việt Nam bởi đây là cơ hội gần như chỉ đến một lần. Việc phát triển lĩnh vực công nghiệp này cũng sẽ góp phần dẫn dắt sự phát triển của các lĩnh vực khác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiếp lời: Trước Viettel đứng trên vai người khác, giờ hãy để người khác đứng trên vai mình. Mình làm nền tảng, mình xuống tầng công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi, đấy mới thực sự là làm chủ. Khi đó rất nhiều người khác sẽ đứng trên vai mình để phát triển và vì thế mà Viettel có thể dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam lớn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng gợi ý, hầu hết các doanh nghiệp viễn thông lớn trên thế giới đều quan tâm tới AI. Do vậy, Viettel cần chú trọng phát triển Viettel AI ở góc độ nền tảng để tất cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận được công nghệ này như một loại dịch vụ. Đồng thời, nghiên cứu đầu tư vào hệ thống kiến trúc phần cứng để có đủ sức mạnh tính toán, huấn luyện các mô hình ngôn ngữ lớn Tiếng Việt.

Góp ý cho Viettel, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm lưu ý về vấn đề niềm tin số bởi nhiều tệ nạn trong các lĩnh vực khác đều bị xã hội quy hết về viễn thông do kẻ lừa đảo liên hệ qua điện thoại. Do đó, các nhà mạng, trong đó có Viettel nên cùng với Bộ làm tốt việc bảo vệ người dân trên không gian mạng.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cảm ơn những gợi mở và chia sẻ quý báu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác Bộ TT&TT đã dành cho Tập đoàn. Những lời động viên, truyền cảm hứng và giao nhiệm vụ của lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ được Viettel ghi lại và truyền đến cho toàn bộ người Viettel.

Sau buổi tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu định hướng phát triển cho Tập đoàn và ngành viễn thông trong 10 năm tới.

vietnamnet.vn