mobifone.jpg
Bộ TT&TT sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần 3800 – 3900 MHz. Ảnh: MBF

 Ngày 19/3/2024, VNPT thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần C2 (3700 – 3800 MHz) phục vụ cho chiến lược phát triển mạng 5G trên cả nước trong thời gian tới.

Với VNPT, việc trúng đấu giá khối băng tần C2 có ý nghĩa rất quan trọng, cho phép nhiều lựa chọn thiết bị mạng, chi phí triển khai mạng 5G hợp lý nhất, đáp ứng chiến lược triển khai mạng 5G tốc độ cao tại Việt Nam. Cùng với dải băng tần 3.700 – 3.800 MHz, VNPT cũng đang sở hữu dải băng tần 1.800 MHz, đây sẽ là lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mạng 5G trong thời gian tới, đồng thời, tạo tiền đề cho việc phát triển mạng 6G trong tương lai.

Trước đó, ngày 8/3/2024, Viettel thông báo đã chính thức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 2500-2600 MHz trong vòng 15 năm tới.

Đại diện Viettel cho biết, băng tần 2500-2600 MHz có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhà mạng này, bởi đây là băng tần hiệu quả để triển khai đồng thời cho cả mạng di động 4G và 5G, qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ 4G hiện nay và chính thức cung cấp dịch vụ 5G. Đây cũng là băng tần tối ưu được vùng phủ với bán kính gấp 1,3 lần so với băng tần band C (3500 MHz).

Việc Viettel trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng di động 5G là điều kiện cần thiết để đồng hành cùng xu thế phát triển về công nghệ viễn thông của thế giới, tiếp tục phát triển mạng 4G và chuyển đổi sang công nghệ 5G. Bên cạnh đó, đây còn là lộ trình để thúc đẩy phát triển hạ tầng số quốc gia, hệ sinh thái dịch vụ số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Ngày 14/3/2024, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 52, Điều 59 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 Quốc gia đã ra thông báo không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz vì không đủ số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá tối thiểu theo quy định. 

Cụ thể, đến hết thời hạn nộp hồ sơ, có 2 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; đến hết thời hạn nộp tiền đặt trước chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền. 

Một câu hỏi cho đến thời điểm này là không tổ chức đấu giá tần số 3800-3900 MHz thì liệu có tiến hành đấu giá lại băng tần này hay không và giá khởi điểm sẽ áp theo mức nào?

Theo thông tin từ Bộ TT&TT, sau cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 3700 – 380 MHz, Bộ sẽ xem xét, quyết định việc tổ chức đấu giá lại vào thời điểm thích hợp khối băng tần 3800 – 3900 MHz. Giá khởi điểm khối băng tần C3 sẽ được xác định phù hợp với thời điểm đấu giá.

Theo quy định về đấu giá, mức giá khởi điểm khối băng tần 3800 – 3900 MHz sẽ tham chiếu từ cuộc đấu giá đối với khối băng tần C2 (3700 – 3800 MHz) mà VNPT vừa trúng đấu giá.

Các chuyên gia cho rằng, băng tần mạng 5G tại Việt Nam cho 3 nhà mạng theo quy hoạch là 2500-2600 MHz, 3700-3800 MHz và 3800 – 3900 MHz đều có số lượng thiết bị đầu cuối tương thích tương đương nhau vì các băng tần này đều là băng tần phổ biến cho mạng 5G trên thế giới.