Phải nói rằng, đến Tam Cốc mùa nào cũng đẹp. Núi non, sông nước, những rặng hoa súng hồng, thủy nữ trắng muốt giữa đám lá tròn xanh dọc dòng sông Ngô Đồng, con người hài hòa cùng những câu chuyện lịch sử, truyền thống đánh giặc giữ nước… là những điểm thu hút với du khách khi đến nơi đây.

 Cánh đồng lúa vàng ở Tam Cốc. 

Đón chúng tôi ở bến thuyền Văn Lâm là một lão nông thực thụ, râu dài, tóc bạc đến vài phần, mắt, miệng tươi tắn. Thuyền theo dòng sông, qua hang Cả, hang Hai, rồi hang Ba mát rượi. Ông lão thong thả chèo thuyền, dòng nước tĩnh lặng, con người dường như cũng hòa cả vào mây trời mênh mang. Trong câu chuyện của ông lão, những danh thắng của vùng đất Tam Cốc lần lượt hiện lên, dọc theo dòng sông. Nơi đây không chỉ là căn cứ địa của quân và dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên mà còn là hầm trú ẩn của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Theo nhịp chèo, những cánh đồng lúa chín như trải vàng xuống hai bên dòng sông. Len lỏi qua những ngọn núi đá vôi, con thuyền như chiếc lá trôi theo dòng sông, một màu trong xanh lấp lánh giữa hai dải lúa vàng rực rỡ. Chúng tôi đắm chìm trong hương thơm lúa chín đặc trưng, thả mình vào thiên nhiên để tận hưởng bầu không khí trong lành, mát rượi.

Nhà ông lão cũng có ruộng lúa gần phía hang Ba. Ông nói rằng, tập tục trồng lúa nước tại Tam Cốc đã có từ lâu. Ngày xưa, dân trồng theo truyền thống chủ yếu để phục vụ cuộc sống gia đình. Giờ đây, cây lúa không những được trồng để thu hoạch mà còn phục vụ du lịch. Mùa lúa chín vào tầm cuối tháng 5. Trước đó, lúa trổ đòng, trổ bông, rồi căng mẩy dần theo thời gian đều cần sự chăm sóc của những người dân buổi chèo đò, buổi chăm lúa nơi đây. Giống lúa trồng ở Tam Cốc là lúa Thái Xuyên 111, được chọn vì có thân cao, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt. Để có cả cánh đồng vàng ruộm mùa lúa chín trải dài dọc dòng sông Ngô Đồng, cán bộ khuyến nông, những người nông dân cũng phải tính toán thật khéo léo. Năm nay, bằng cây lúa, người dân đã tạo dựng thành bức tranh dân gian “Lý ngư vọng nguyệt” (Cá chép trông trăng) trên cánh đồng rộng gần 10.000m2 với mong muốn quốc thái dân an, mùa màng bội thu, thể hiện khát vọng, sự nỗ lực và ý chí kiên cường vượt lên mọi khó khăn để vươn tới thành công của người dân nơi đây.

Thuyền vào gần đến hang Hai, nhà báo Bùi Tuyết Vân, một người chịu lăn lộn và nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, đề xuất: “Bác lái đò cho chúng cháu tấp vào ngọn núi phía trước nhé”. Tôi tò mò không hiểu chuyện gì, chị cười bí ẩn nói: “Cứ đi đi rồi sẽ biết”. Hóa ra, nơi chị đưa chúng tôi đi là con đường lên đỉnh núi Chìa Vôi. Tìm phiến đá chắc chân, chúng tôi phóng tầm mắt ngắm quang cảnh Tam Cốc từ trên cao. Tam Cốc mùa vàng đẹp đến nín thở. Cả bầu trời rộng lớn, cả vùng sông nước mênh mông, cả một dải vàng rực rỡ được thu vào tầm mắt. Nhà báo Bùi Tuyết Vân nhắc thêm chúng tôi về kinh nghiệm của dân nhiếp ảnh: “Khoảng thời gian để có được những khoảnh khắc đẹp nhất của Tam Cốc mùa này là từ 9 giờ đến 11 giờ. Nếu đến sớm quá thì trời chưa đủ sáng, thuyền cũng ít, chưa đẹp. Nếu đến muộn thì nắng đứng bóng, ảnh cũng không đẹp…”. Đoàn chúng tôi không ai bảo ai, thi nhau giơ máy ảnh lên tranh thủ chụp. Ai cũng muốn mang về những hình ảnh đẹp nhất của Ninh Bình mùa lúa chín. Đến tận khi mặt trời lên cao, chúng tôi đành tiếc nuối mà hẹn nhau rằng, năm sau nhất định lại đến tiếp.

Trở lại với con thuyền, ông lái vẫn gác đò đứng chờ dưới bóng cây. Nghe chúng tôi kể về những bức ảnh Tam Cốc trên đỉnh Chìa Vôi, ông khẽ cười tự hào: “Không chỉ lúc lúa chín đâu, tầm tháng 6, cảnh người nông dân gặt lúa, chở lúa về bằng thuyền nô nức và nhộn nhịp cũng được nhiều du khách và các tay máy thích thú. Họ cảm ơn tôi và những người nông dân Tam Cốc đã cho họ một kỳ nghỉ an yên, mộc mạc”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NAM