Thời gian qua, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30-10 đến 1-11-2022 đã tiếp động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước, trong đó tin cậy chính trị được tăng cường, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư duy trì tăng trưởng. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm ¼ tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

Hành khách tại sân bay quốc tế ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh minh họa: TTXVN 

Trong khi đó, hợp tác giữa Việt Nam và WEF thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp. WEF và cá nhân Chủ tịch điều hành Klaus Schwab coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Hai bên hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: Tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, thu hẹp khoảng cách kỹ năng lao động, chuyển đổi số… Việc tăng cường hợp tác qua các chương trình, dự án và tham dự các hội nghị của WEF, phối hợp tổ chức thành công một số sự kiện góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển-quản trị tiên tiến.

Hội nghị WEF Thiên Tân do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức hằng năm, có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos. Hội nghị năm nay có chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu”, gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào các vấn đề như: Điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo. Hội nghị dự kiến thu hút nhiều nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cũng là chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 7 năm và là hoạt động gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo chủ chốt hai nước sau khi Trung Quốc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước khóa mới. Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, đồng thời tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm ngoái.

Thông qua đó, chuyến thăm còn chuyển tải thông điệp rõ ràng và nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ với Trung Quốc, mong muốn tăng cường tin cậy chính trị, hợp tác quốc phòng và an ninh giữa hai nước; xử lý các thách thức chung thực chất; đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại, nhất là thương mại hàng hóa biên giới cũng như hoạt động kinh tế cửa khẩu thông suốt, giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân… từ đó đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Việc Thủ tướng tham dự Hội nghị WEF Thiên Tân năm nay được kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WEF trong thu hút đầu tư, quảng bá, kết nối, cập nhật và chia sẻ kinh nghiệm… đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đây còn là dịp để quảng bá hình ảnh về đất nước Việt Nam ổn định và tăng trưởng kinh tế tích cực sau đại dịch, luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp và khách du lịch quốc tế, góp phần thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong nước.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị WEF Thiên Tân của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp, tiếp thêm động lực để đẩy mạnh hợp tác và khai thác những tiềm năng rộng mở trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như với các quốc gia khác.

QĐND