Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam coi trọng vai trò của ILO trong các hoạt động hỗ trợ người lao động trên phạm vi toàn cầu, trong đó có thúc đẩy mục tiêu công bằng xã hội và bảo vệ các quyền của người lao động cũng như giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng xã hội và thất nghiệp trên toàn cầu hiện nay do tác động của đại dịch Covid-19.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng giám đốc ILO tại cuộc tiếp. 

Việt Nam đánh giá cao ILO trong việc hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, phê chuẩn, thúc đẩy thực hiện các tiêu chuẩn lao động, đặc biệt là các công ước mới phê chuẩn gần đây như: Công ước số 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật rất tốt và hiệu quả từ ILO. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong lĩnh vực lao động, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng, sửa đổi pháp luật về lao động, như cải cách chính sách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội; tiếp tục nỗ lực nghiên cứu và hướng tới phê chuẩn các công ước cơ bản và công ước kỹ thuật chủ chốt của ILO, cũng như việc triển khai hiệu quả các công ước này sau khi phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận vai trò của Văn phòng đại diện của ILO tại Việt Nam qua các thời kỳ đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam nhất là các vấn đề về lao động, việc làm.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Tổng giám đốc ILO Gilbert F. Houngbo khẳng định, suốt thời gian qua, ILO và Việt Nam đã luôn duy trì quan hệ hợp tác tốt đẹp, lâu dài và hiệu quả. Tổng Giám đốc ILO cho cho rằng, đại dịch Covid-19 mang đến nhiều thách thức và khó khăn cả về sức khỏe, y tế, tác động xã hội và kinh tế cho toàn thế giới.

Đến nay, các quốc gia vẫn trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, cùng với đó là những khủng hoảng do bất ổn địa chính trị. Bối cảnh đó thúc đẩy ILO kết nối và hợp tác sâu rộng hơn với các nước thành viên. Trong và sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có sự phục hồi tốt. Việt Nam cũng là một trong những nước thành công trong triển khai các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Tại cuộc tiếp, Chủ tịch Quốc hội đã có trao đổi và phân tích về những vấn đề Tổng giám đốc ILO quan tâm liên quan đến việc bảo đảm cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội, thu hẹp các bất bình đẳng ngày càng sâu rộng do ảnh hưởng của đại dịch; quan điểm về sáng kiến thành lập Liên minh toàn cầu vì công bằng xã hội và Khuôn khổ toàn cầu về việc làm và an sinh xã hội vì chuyển đổi công bằng.

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam là quốc gia tiên phong thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ Liên hợp quốc. Tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 132, Quốc hội Việt Nam đã có sáng kiến đưa ra Tuyên bố Hà Nội về phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên cập nhật các mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế ILO Gilbert F. Houngbo. 

Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định, phát triển bền vững trên tất cả các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường luôn là chủ trương nhất quán của Việt Nam. Việt Nam chủ trương xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Nhà nước đóng vai trò là tác nhân, điều phối giữa người sử dụng lao động và người lao động; giữa đại diện cho người sử dụng lao động là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Việt Nam cũng đang trong quá trình cơ cấu mạnh mẽ mô hình tăng trưởng với 3 đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng thực tế trong đại dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rất rõ trong việc hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động. Quốc hội đã ban hành nghị quyết để cho phép áp dụng các biện pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt để đối phó với đại dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động. Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới ban hành nghị quyết có tính chất như vậy.

 Quang cảnh cuộc tiếp.

Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra gói chính sách tài khóa, tiền tệ kích thích kinh tế với quy mô lên đến 8,4% GDP nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, người lao động. Những quyết sách này đã giúp cho Việt Nam đạt được tăng trưởng dương trong khi phần lớn các nước trên thế giới tăng trưởng âm. Năm 2022, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 8%, trong khi lạm phát rất thấp.

Trao đổi về các sáng kiến mang tính toàn cầu như việc làm và an sinh xã hội vì chuyển đổi công bằng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam chú trọng phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Mục tiêu lớn nhất ghi trong cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp là dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, hiện Việt Nam tập trung cho hai mục tiêu 100 năm. Đó là, đến năm 2030 khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Việt Nam sẽ trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây cũng là cơ sở chính trị, cơ sở kinh tế để Việt Nam đưa ra cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0”, Net Zero vào năm 2050 tại COP 26. 

Do đó, Việt Nam hết sức hoan nghênh và ủng hộ bất cứ mục tiêu, sáng kiến toàn cầu nào có sự tương đồng như vậy. Thực tế, Quốc hội Việt Nam đang tập trung mọi nỗ lực xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, trong đó có phục vụ cho công cuộc chuyển đổi năng lượng công bằng và chuyển đổi số. 

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đối tác phát triển của Việt Nam, trong đó có ILO, chung tay nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai các dự án vừa tuân thủ các hiệp định vay, các thỏa thuận, cam kết giữa hai bên vừa hài hòa với pháp luật Việt Nam.

Cảm ơn về chia sẻ sâu sắc của Chủ tịch Quốc hội, Tổng giám đốc ILO cho biết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, cùng với các tổ chức của Liên hợp quốc đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển với Việt Nam.

CHIẾN THẮNG