Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Liên minh châu Âu: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

TCCS - Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Dưới tác động của các yếu tố địa - chính trị, địa - kinh tế, công nghệ và môi trường, xu hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU đang có sự điều chỉnh cả về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, những thay đổi này đặt ra cơ hội và thách thức, nhất là trong việc xúc tiến FDI từ EU nhằm gia tăng hiệu quả hợp tác và thu hút nguồn vốn chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản19/07/2025

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại thành phố Nice, Cộng hoà Pháp, ngày 9-6-2025_Ảnh: TTXVN

Những yếu tố tác động đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU

Thế giới đang chứng kiến những biến chuyển sâu rộng trên các phương diện chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ và môi trường, tác động nhiều chiều đến sự vận động của các dòng vốn đầu tư quốc tế. Nổi bật trong bối cảnh đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, qua đó thúc đẩy các tập đoàn đa quốc gia (MNE) điều chỉnh chiến lược đầu tư toàn cầu. Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2024 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong 5 năm qua, dòng đầu tư mới (greenfield) của 100 tập đoàn hàng đầu thế giới (không bao gồm lĩnh vực tài chính) đã tác động tới xu hướng khu vực hóa mạnh hơn. Các tập đoàn này gia tăng đầu tư vào những quốc gia gần với trụ sở chính hoặc các thị trường mục tiêu cốt lõi (near-shoring). Xu hướng này thể hiện rõ nét trong các lĩnh vực chiến lược, như chất bán dẫn, dược phẩm và công nghệ môi trường. Bên cạnh áp lực chính trị liên quan đến việc đưa sản xuất về gần quốc gia sở tại, các quy định môi trường ngày càng chặt chẽ, cùng với sự phát triển nhanh chóng của tự động hóa và công nghệ robot, đang làm giảm đáng kể lợi thế về chi phí lao động thấp của các nước đang phát triển trong chiến lược phân bổ đầu tư toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh và định hình rõ nét. Từ năm 2020 đến nay, sự bứt phá của nhiều công nghệ mới đã tác động sâu rộng tới lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ quốc tế. Dưới ảnh hưởng của quá trình này, dòng vốn FDI có xu hướng dịch chuyển từ mục tiêu tìm kiếm hiệu quả sang tìm kiếm thị trường khu vực; từ đầu tư vào các chuỗi giá trị toàn cầu theo chiều dọc sang các mô hình đầu tư vào cơ sở sản xuất và cụm liên kết ngành có tính lan tỏa cao hơn.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ xu hướng dịch chuyển và cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua việc mở rộng mạng lưới nhà cung cấp nhằm gia tăng khả năng thích ứng trước các “cú sốc” toàn cầu. Sự điều chỉnh này phản ánh nhu cầu tối ưu hóa chi phí, đồng thời phân tán rủi ro, tránh phụ thuộc quá mức vào một số ít thị trường. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và yêu cầu chuyển đổi xanh đang thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường và tìm kiếm các mô hình đầu tư, sản xuất theo hướng bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh những yếu tố trên, FDI của EU còn chịu ảnh hưởng đáng kể từ những điều chỉnh trong chính sách nội khối. EU đang tiếp cận thận trọng hơn đối với hoạt động đầu tư ra bên ngoài, với trọng tâm chuyển từ mục tiêu tiếp cận thị trường và tối ưu hóa chi phí sang ưu tiên các yếu tố chiến lược, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và các mối quan tâm liên quan đến an ninh quốc gia. Tiêu biểu là chính sách “tự chủ chiến lược”, theo đó EU khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các ngành then chốt, như pin điện, y tế, dược phẩm, công nghệ số và năng lượng sạch. Đồng thời, cơ chế sàng lọc đầu tư đối với các lĩnh vực nhạy cảm, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử,... khiến doanh nghiệp EU ngày càng thận trọng hơn khi đầu tư vào công nghệ cao ngoài khối. Ngoài ra, Sáng kiến “Thỏa thuận Xanh châu Âu” (EU Green Deal) và hệ thống quy định về phát triển bền vững đang định hướng dòng vốn FDI của EU vào các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo, công nghệ môi trường và sản xuất bền vững. Các doanh nghiệp EU ngày càng chú trọng tìm kiếm đối tác và thị trường có tiềm năng phát triển năng lượng sạch, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất thân thiện với môi trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon và giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Xu hướng nổi bật trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU

Tác động tổng hòa của các nhân tố nêu trên cộng hưởng với cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ định hình lại cách thức EU tương tác với thế giới, mà còn tác động trực tiếp đến dòng vốn FDI của EU ra nước ngoài. Từ năm 2020 đến nay, dòng vốn FDI của EU ra nước ngoài phục hồi chậm, thiếu ổn định và điều chỉnh đáng kể về địa bàn, lĩnh vực và mục tiêu đầu tư.

Về quy mô vốn đầu tư, từ thập niên 90 của thế kỷ XX đến trước đại dịch COVID-19, EU giữ vai trò là nhà FDI lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2010 - 2019, dòng vốn FDI trung bình hằng năm của EU ra nước ngoài đạt khoảng 500 - 600 tỷ USD. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch COVID-19, dòng vốn FDI của EU ra nước ngoài có xu hướng biến động mạnh. Sau mức tăng đáng kể vào năm 2021, quy mô đầu tư đã giảm xuống còn khoảng 170 - 180 tỷ USD/năm, khiến EU đứng sau Mỹ và Nhật Bản về tổng số mức FDI. Theo số liệu thống kê của UNCTAD, trong 2 - 3 năm gần đây, FDI của EU có dấu hiệu chững lại và duy trì ở mức thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, dòng vốn FDI của các trung tâm kinh tế lớn khác, như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, nhìn chung duy trì ổn định và có xu hướng tăng từ năm 2018 đến nay(1).

Về lĩnh vực đầu tư, hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào nội khối EU và một số quốc gia có khả năng cung ứng nguyên vật liệu quan trọng hoặc có tiềm năng phát triển công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất và môi trường của EU. Dòng vốn FDI gia tăng tại các điểm đến gần khu vực Tây Âu cho thấy sự dịch chuyển rõ nét của hoạt động sản xuất sang các ngành mang tính chiến lược đối với EU. Quy mô vốn trung bình đối với mỗi dự án FDI trong lĩnh vực chế tạo tại 15 quốc gia lân cận châu Âu đã tăng từ 44,5 triệu USD năm 2019 lên 130,8 triệu USD vào năm 2023(2).

Các tập đoàn đa quốc gia của EU đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư mạnh hơn sang lĩnh vực dịch vụ. Theo dữ liệu FDI toàn cầu, lĩnh vực dịch vụ chiếm khoảng 2/3 tổng số dự án FDI của 100 tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới, trong đó có 53 tập đoàn đến từ EU. Riêng trong lĩnh vực công nghệ, dịch vụ chiếm tới 91% tổng số dự án FDI(3). Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia từ châu Âu và Bắc Mỹ đang đẩy mạnh việc thiết lập các trung tâm dịch vụ khu vực tại châu Á nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, qua đó giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả vận hành cho các hoạt động FDI.

Về địa bàn đầu tư, các doanh nghiệp EU đang từng bước điều chỉnh để hạn chế mức độ phụ thuộc vào một số thị trường lớn, nhất là Trung Quốc, thông qua việc điều chỉnh chiến lược đầu tư theo hướng ưu tiên nội khối EU, các quốc gia lân cận châu Âu hoặc các nước có quan hệ chính trị, kinh tế ổn định và thân thiện (friend-shoring). Mục tiêu của sự điều chỉnh này là tăng cường khả năng kiểm soát, giảm thiểu rủi ro địa - chính trị, địa - kinh tế và bảo đảm tính ổn định của chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, sự dịch chuyển này không đồng nghĩa với việc rút khỏi các thị trường lớn, mà phản ánh chiến lược “giảm thiểu rủi ro” (de-risking) và đa dạng hóa, theo đó các doanh nghiệp vẫn duy trì hiện diện nhằm tránh phụ thuộc vào một số khu vực cụ thể. Điều này phản ánh xu hướng khu vực hóa ngày càng rõ rệt trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia EU. Đáng chú ý, xu hướng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp EU về gần khu vực Tây Âu nhằm tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng sau đại dịch COVID-19 tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Theo fDi Markets, trong giai đoạn 2022 - 2023, tổng số vốn cam kết cho các dự án sản xuất tại 15 quốc gia thuộc khu vực Trung - Đông Âu (CEE) và Bắc Phi vượt 82 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 2 năm liên tiếp từ trước đến nay và tăng 62% so với cùng kỳ 2 năm trước đại dịch COVID-19 (2018 - 2019)(4).

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu của EU, song dòng vốn FDI từ EU vào Trung Quốc đã chững lại trong thời gian gần đây. Nguyên nhân do ảnh hưởng của cạnh tranh thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với việc các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và cạnh tranh quyết liệt hơn với các tập đoàn EU. Kể từ năm 2019, một số tập đoàn sản xuất lớn của EU, như BASF, Volkswagen, BMW (Đức),... đã giảm 1/2 số lượng FDI mới vào Trung Quốc so với giai đoạn 5 năm trước đó(5). Trong khi đó, Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến đầu tư chiến lược của EU sau đại dịch COVID-19, nhờ lợi thế về thị trường nội địa rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cùng vị trí địa - chính trị và địa - kinh tế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Những yếu tố này phù hợp với chính sách đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro của EU. Bình quân hằng năm, dòng vốn FDI từ EU vào Ấn Độ trong giai đoạn sau đại dịch COVID-19 đã tăng cao hơn so với giai đoạn 2013 - 2019. Nhiều doanh nghiệp EU đang định vị Ấn Độ như một điểm đến đầu tư thay thế hoặc bổ sung hấp dẫn nhằm xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và đa dạng hơn bên ngoài Trung Quốc.

Đông Nam Á tiếp tục là khu vực thu hút sự quan tâm của EU trong chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Singapore giữ vững vai trò là trung tâm tài chính, công nghệ và dịch vụ hàng đầu khu vực, thu hút dòng vốn FDI giá trị cao, cũng như trở thành địa điểm đặt trụ sở khu vực của nhiều doanh nghiệp EU. FDI từ EU vào Singapore tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao, như nghiên cứu và phát triển (R&D), trung tâm điều hành khu vực, dịch vụ tài chính và công nghệ thông tin. Malaysia được EU lựa chọn là điểm đến đầu tư trong các ngành sản xuất điện tử, thiết bị y tế và dịch vụ công nghệ thông tin, nhờ nguồn nhân lực có kỹ năng tương đối cao và kết cấu hạ tầng phát triển. Tại Thái Lan, EU tiếp tục mở rộng đầu tư, đặc biệt trong các ngành công nghiệp ô tô và linh kiện, điện tử và dịch vụ. Indonesia đang nổi lên như một thị trường tiềm năng đối với đầu tư của EU, với lợi thế về quy mô thị trường và tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đầu tư của EU vào Indonesia tập trung vào lĩnh vực chế biến khoáng sản thiết yếu (đặc biệt là chuỗi cung ứng pin xe điện) và sản xuất hàng tiêu dùng.

Trong những năm tới, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của EU nói chung và vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, được dự báo tiếp tục chịu ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược giữa các trung tâm kinh tế lớn, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy tự chủ chiến lược của EU. Thứ nhất, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy đa phương hóa đầu tư sang các thị trường có môi trường kinh doanh thuận lợi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo các mô hình như “Trung Quốc + 1” hoặc “Trung Quốc + N”, trong đó “N” có thể là một nhóm các quốc gia nhằm tối ưu hóa chi phí và bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng. Thứ hai, trong thời gian tới, FDI của EU nhiều khả năng sẽ đặt trọng tâm vào lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi xanh, như năng lượng tái tạo, sản xuất bền vững và kinh tế tuần hoàn, gắn với mục tiêu xây dựng năng lực tự chủ chiến lược. Các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) sẽ ngày càng trở thành yếu tố then chốt trong quá trình xem xét và lựa chọn địa điểm đầu tư của doanh nghiệp EU. Những quốc gia được EU đánh giá cao về độ tin cậy chính trị, có tiềm năng đa dạng hóa và bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng, đồng thời sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao và hạ tầng số phát triển, sẽ có lợi thế trong việc thu hút dòng vốn FDI từ EU.

Cơ hội, thách thức và một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả xúc tiến FDI từ EU vào Việt Nam

Kể từ khi Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1990, EU luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Đến nay, hai bên đã xây dựng được nền tảng hợp tác song phương vững chắc thông qua các khuôn khổ pháp lý và thể chế quan trọng, bao gồm: Hiệp định khung về hợp tác (FCA) ký kết năm 1995; Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) có hiệu lực từ năm 2016; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020; Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) đang chờ được phê chuẩn; cùng nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác song phương khác. Về kinh tế, EU hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ ba và nhà FDI lớn thứ bảy của Việt Nam. Bên cạnh hợp tác cấp liên minh, quan hệ Việt Nam - EU còn được củng cố thông qua quan hệ song phương với từng quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện với tất cả quốc gia thành viên chủ chốt của EU.

Lắp ráp mẫu xe đa dụng châu Âu Peugeot Traveller tại Nhà máy xe du lịch cao cấp của THACO tại thành phố Đà Nẵng_Ảnh: TTXVN

Sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam - EU, với mức độ tin cậy chính trị ngày càng được củng cố, đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác kinh tế nói chung và hợp tác đầu tư song phương nói riêng, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mà hai bên cùng có nhu cầu và lợi ích. EU và phần lớn quốc gia thành viên đều xác định Việt Nam là đối tác quan trọng trong chiến lược đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 4-2025, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa nhấn mạnh, hai bên là những “đối tác quan trọng, tin cậy và ổn định” của nhau, đồng thời khẳng định “Việt Nam là đối tác trụ cột của EU tại Đông Nam Á và mối quan hệ Việt Nam - EU xứng đáng được nâng lên một tầm cao mới”(6).

Trong bối cảnh tình hình địa - chính trị và địa - kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đang có nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy thu hút FDI từ EU, đặc biệt là tận dụng xu hướng EU đa dạng hóa địa bàn đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. Với nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế phát triển năng động và đường lối đối ngoại nhất quán, Việt Nam được nhiều doanh nghiệp EU đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn và đáng tin cậy tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nếu chính sách xúc tiến FDI được triển khai hiệu quả, khai thác tốt các yếu tố thuận lợi nêu trên và định vị rõ Việt Nam như một “người bạn” tin cậy (friend) trong chiến lược dịch chuyển đầu tư của EU sang các quốc gia đối tác, bạn bè (friend-shoring), Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng quy mô và chất lượng dòng vốn FDI từ EU trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, Việt Nam có thể tận dụng quá trình điều chỉnh chính sách đầu tư ra nước ngoài của EU để thúc đẩy thu hút FDI từ EU vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn phát triển mới. Trong bối cảnh EU đẩy mạnh triển khai “Thỏa thuận Xanh châu Âu” (European Green Deal), các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi xanh và môi trường, nhất là năng lượng tái tạo, nổi lên như những lĩnh vực có tiềm năng lớn trong hợp tác đầu tư giữa hai bên. Trong thời gian gần đây, việc một số tập đoàn lớn của EU, như Copenhagen Infrastructure Partners, Ørsted (Đan Mạch), PNE (Đức), Air Liquide (Pháp),... tiến hành nghiên cứu và triển khai các dự án điện gió, sản xuất hydro xanh và công nghệ lưu trữ năng lượng tại Việt Nam cho thấy tín hiệu tích cực từ xu hướng đầu tư “xanh” của EU. Nếu Việt Nam xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến FDI có trọng tâm, có kế hoạch cụ thể phù hợp với định hướng phát triển bền vững và nhu cầu của nhà đầu tư EU, cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ khu vực này sẽ ngày càng rộng mở.

Với độ tin cậy chính trị cao, nguồn nhân lực trẻ, chính sách hỗ trợ tích cực và hệ sinh thái bán dẫn bước đầu hình thành, Việt Nam có cơ hội thu hút FDI từ EU trong các lĩnh vực chuyển đổi số, bán dẫn, dược phẩm, thiết bị y tế và công nghệ sinh học, trong bối cảnh EU đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Một trong những lợi thế đáng kể của Việt Nam trong thu hút FDI từ EU là việc triển khai EVFTA và EVIPA(7). Các cam kết ưu đãi thuế quan và quy tắc xuất xứ trong EVFTA giúp doanh nghiệp EU xem Việt Nam như một cơ sở sản xuất chiến lược để xuất khẩu vào EU hoặc mở rộng thị trường tại khu vực. Những cam kết về dịch vụ, lao động, môi trường và phát triển bền vững cũng tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, như logistics, tài chính, công nghệ thông tin và chuyển đổi xanh. Với các quy định bảo hộ đầu tư rõ ràng, minh bạch, EVIPA góp phần nâng cao niềm tin của nhà đầu tư EU khi thiết lập hoặc mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Việc tích cực tuyên truyền về EVIPA, ngay cả khi hiệp định này chưa có hiệu lực, cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng môi trường đầu tư đạt chuẩn quốc tế. Đây là lợi thế cạnh tranh cần được phát huy để thu hút hiệu quả hơn dòng vốn FDI từ EU, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Bên cạnh những cơ hội lớn, Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức trong việc xúc tiến FDI từ EU. Kinh tế EU phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19, cùng với xu hướng bảo hộ gia tăng đã làm suy giảm động lực đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp EU. Thực tế cho thấy, dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng số vốn FDI đăng ký từ EU vào Việt Nam năm 2022 giảm 46,24%, năm 2023 giảm 27,57% và năm 2024 tiếp tục giảm 43%(8). Điều này cho thấy, việc thu hút các dòng vốn FDI mới từ EU đang gặp nhiều trở ngại.

Cạnh tranh quốc tế trong thu hút FDI từ EU ngày càng gay gắt, đặt ra thách thức không nhỏ đối với Việt Nam. Chính sách “tự chủ chiến lược” của EU nhằm bảo đảm an ninh chuỗi cung ứng đang tạo lợi thế cho các quốc gia có vị trí địa lý gần hơn với châu Âu. Đồng thời, nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đẩy mạnh chính sách xúc tiến và ưu đãi FDI, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, như chế tạo, công nghiệp, năng lượng tái tạo, công nghệ số, logistics và hạ tầng. Điển hình như, Philippines triển khai Chương trình đầu tư hành lang xanh từ năm 2023 nhằm thu hút FDI vào các ngành chiến lược, trở thành điểm đến hấp dẫn của EU trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và điện gió. Thái Lan ban hành nhiều chính sách liên quan đến đầu tư “xanh”, như Luật Biến đổi khí hậu, chương trình định giá và thuế carbon, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường của EU.

Một số điều chỉnh trong chiến lược và chính sách của EU có thể ảnh hưởng bất lợi đến dòng FDI vào Việt Nam. Việc EU triển khai cơ chế sàng lọc đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực nhạy cảm có thể khiến các doanh nghiệp EU thận trọng hơn khi đầu tư vào các dự án công nghệ cao như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử tại Việt Nam, do vướng mắc trong quy trình kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, “Thỏa thuận Xanh châu Âu” với tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng đặt ra yêu cầu cao đối với doanh nghiệp Việt Nam trong hợp tác đầu tư. Để tham gia chuỗi cung ứng của EU, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn về minh bạch hóa, truy xuất nguồn gốc, lao động và môi trường, điều này đòi hỏi đầu tư đáng kể vào công nghệ, quy trình và quản trị. Nếu không đáp ứng được các yêu cầu này, khả năng tiếp cận dòng vốn FDI gắn với dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển đổi xanh từ EU sẽ bị hạn chế.

Có thể thấy, sự điều chỉnh trong xu hướng FDI của EU vừa mang đến cơ hội, vừa đặt ra thách thức trong thu hút FDI từ khối này. Vấn đề đặt ra là, cần có chính sách và giải pháp hiệu quả để “chuyển hóa” tối đa các cơ hội thành kết quả thiết thực. Do đó, cần xây dựng chiến lược xúc tiến FDI chung, trong đó chú trọng tính chủ động, xác định rõ trọng tâm về đối tác, ngành/lĩnh vực và dự án ưu tiên, đồng thời nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp và bài bản trong tổ chức thực hiện.

Khác với các đối tác FDI khác, EU không phải là một khối đồng nhất, bởi các thành viên có tiềm lực, văn hóa kinh doanh và ưu tiên chiến lược đầu tư ra nước ngoài khác biệt. Vì vậy, cần chuyển hướng xúc tiến FDI từ EU theo cách tiếp cận đại trà, dàn trải hiện nay sang phương thức trọng tâm, tập trung vào ba cấp độ: quốc gia, ngành/lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp mục tiêu.

Trước hết, cần phân khúc các quốc gia thành viên EU theo phương châm “hiểu sâu từng thị trường”, kết hợp linh hoạt giữa khu vực địa lý, văn hóa kinh doanh với thế mạnh và khả năng đáp ứng của đối tác theo định hướng ưu tiên thu hút FDI. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có thể phân khúc EU thành các nhóm nước theo địa lý, thế mạnh và ưu tiên chiến lược đầu tư ra nước ngoài, như nhóm Đức - Áo - Thụy Sĩ (DACH), nhóm Pháp - Bỉ - Hà Lan - Luxemburg (Benelux), nhóm Bắc Âu, nhóm Nam Âu (Tây Ban Nha, Italia...) và nhóm Đông Âu. Với mỗi nhóm nước cần có cách tiếp cận xúc tiến FDI khác nhau. Chẳng hạn, Đức nổi trội trong công nghiệp chế tạo (ô-tô, máy móc, cơ khí chính xác), tự động hóa, năng lượng tái tạo, hóa chất, dược phẩm và ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng chất lượng cao. Do đó, thông điệp xúc tiến FDI từ Đức cần nhấn mạnh chất lượng, độ tin cậy và khả năng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Trong khi đó, Hà Lan có thế mạnh về dịch vụ hậu cần, nông nghiệp công nghệ cao, fintech và năng lượng sạch, tập trung vào trung tâm logistics, cảng biển, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường. Vì vậy, thông điệp xúc tiến FDI từ Hà Lan cần nhấn mạnh lợi thế địa - chiến lược của quốc gia tiếp nhận đầu tư, cùng với tiềm năng phát triển thành trung tâm logistics trong khu vực và định hướng xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

Bên cạnh phân khúc cấp quốc gia, cần xác định rõ các ngành, lĩnh vực ưu tiên xúc tiến FDI từ EU dựa trên lợi thế cạnh tranh, định hướng phát triển của Việt Nam cùng với nhu cầu thực tiễn của đối tác. Đơn cử như, trong lĩnh vực bán dẫn và chuyển đổi số, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, trình độ công nghệ cao, chi phí hợp lý ở một số khâu sản xuất, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó, EU đang đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip và tăng cường năng lực sản xuất các linh kiện chiến lược nhằm bảo đảm an ninh công nghiệp và công nghệ. Trên cơ sở đó, thông điệp xúc tiến FDI từ EU vào lĩnh vực bán dẫn và chuyển đổi số cần được định hướng rõ ràng, nhấn mạnh vai trò của Việt Nam như một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, đồng thời là trung tâm đổi mới sáng tạo đầy tiềm năng của EU tại khu vực châu Á. Đây là cơ sở để thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển bền vững công nghiệp công nghệ cao của đất nước.

Sau khi đã phân khúc theo cấp quốc gia và các ngành/lĩnh vực ưu tiên, việc xác định các doanh nghiệp EU có tiềm năng đầu tư cao vào Việt Nam trở thành yếu tố then chốt để tổ chức các hoạt động vận động, xúc tiến một cách hiệu quả. Đối với các tập đoàn lớn, cần triển khai tiếp cận cấp cao thông qua các kênh ngoại giao, bộ, ngành hoặc các tổ chức tư vấn uy tín, có quan hệ mật thiết với lãnh đạo của những tập đoàn này. Kinh nghiệm tiếp cận và xúc tiến thành công FDI của Tập đoàn NVIDIA (Mỹ) trong lĩnh vực bán dẫn thời gian qua là một tham chiếu thực tiễn giá trị, có thể vận dụng để thúc đẩy các tập đoàn lớn của EU đầu tư vào Việt Nam. Đặc biệt, chủ động xây dựng các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược.

Cùng với các biện pháp trên, cần triển khai đồng bộ và thực chất các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính gắn liền với chuyển đổi số; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường hiệu quả hoạt động của các đại diện xúc tiến FDI của Việt Nam tại các nước EU; xây dựng đội ngũ cán bộ xúc tiến FDI có chuyên môn cao và năng lực thực thi tốt. Khi giải pháp này được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội từ xu hướng đầu tư ra nước ngoài của EU đang chuyển biến tích cực, qua đó thu hút dòng vốn FDI có chất lượng từ EU, phục vụ cho các mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới./.

------------------------------

* Bài viết thực hiện trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp quốc gia “Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam vào thị trường EU”, mã số KX.06.04/21-30, Bộ Khoa học và Công nghệ

(1) Xem: “World Investment Report 2024” (Tạm dịch: “Báo cáo Đầu tư thế giới 2024), UN Trade and Development (UNCTAD), 2024, https://unctad.org/publication/world-investment-report-2024
(2) Xem: “World Investment Report 2024” (Tạm dịch: “Báo cáo Đầu tư thế giới 2024), Tlđd
(3) Xem: Alex Irwin-Hunt: “The rise of nearshoring FDI close to Europe” (Tạm dịch: Sự gia tăng FDI gần kề châu Âu), fDi Intelligence, ngày 21-2-2024, https://www.fdiintelligence.com/content/7944b519-4da7-56d7-b1b5-c0fdbe0e10fd
(4) Alex Irwin-Hunt: “The rise of nearshoring FDI close to Europe” (Tạm dịch: Sự gia tăng FDI gần kề châu Âu), Tlđd
(5) Alex Irwin-Hunt: “Large multinationals have become more regional(Tạm dịch: Các tập đoàn đa quốc gia ngày càng chuyển hướng hoạt động theo khu vực, fDi Intelligence, ngày 10-7-2024, https://www.fdiintelligence.com/content/8449cd89-6c5a-5481-bee9-781785814e9e)
(6) BNG: “Mối quan hệ Việt Nam - EU xứng đáng được nâng lên tầm cao mới”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 30-4-2025, https://baochinhphu.vn/moi-quan-he-viet-nam-eu-xung-dang-duoc-nang-len-tam-cao-moi-10225043023401186.htm
(7) Xem: “Báo cáo FDI của EU vào Việt Nam trong bối cảnh thực thi EVFTA và EVIPA”, VEPR - KAS, tháng 10-2022, https://www.kas.de/documents/267709/21339049/FDI+flows+from+the+EU+to+Vietnam+in+the+context+of+EVFTA+and+EVIPA.pdf/6040b929-e29a-23ef-4383-b36dc589a492?version=1.0&t=1668587842125
(8)  Tác giả tổng hợp từ số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/1109002/xu-huong-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-cua-lien-minh-chau-au--co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-viet-nam.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm